Cấu tạo của răng

Cấu tạo của răng

Ai cũng biết rằng "cái răng cái tóc là gốc con người". Tuy nhiên, hầu hết mọi người đều quan tâm đến vẻ đẹp và chăm sóc cho mái tóc nhiều hơn. Thậm chí, kiến thức về cấu tạo của tóc, các loại tóc đều được rất nhiều bạn tìm hiểu và rành rọt. Mọi người gần như bỏ qua việc tìm hiểu về răng miệng của bản thân cho đến khi chúng bị sâu, bị đau... Hôm nay, để mang kiến thức răng miệng đến với mọi người, Ecare sẽ cùng các bạn tìm hiểu về "Cấu tạo của răng". Cấu tạo của cơ quan răng bao gồm phần răng và phần tổ chức quanh răng (còn gọi là mô nha chu).

1. Vùng răng

Về hình thái, mỗi răng được cấu tạo bởi thân răng và chân răng. Giữa chân răng và thân răng là đường cổ răng. Về cấu tạo, dưới đây là các thành phần khác nhau cấu thành nên răng, từ ngoài vào trong như sau: men răng, ngà răng, tủy răng.

a. Men răng (Enamel)
Men răng phủ mặt ngoài ngà thân răng, là mô cứng nhất trong cơ thể, tỷ lệ chất vô cơ chiếm tới 96%. Hình dáng và bề dày của men được xác định từ trước khi răng mọc ra. Men răng không màu, trong suốt, rất cứng và giòn. Chiều dày của men răng thay đổi theo từng vị trí, dày nhất ở núm răng và mỏng nhất ở cổ răng, vì thế khi chải răng với động tác chải ngang sẽ dễ làm mòn phía cổ răng. Trong suốt đời sống, men răng không có sự bồi đắp thêm mà chỉ mòn dần theo tuổi, nhưng có sự trao đổi vật lý và hóa học với môi trường miệng.

b. Ngà răng (Dentin)
Ngà răng chiếm phần lớn nhất về thể tích của một răng, nằm dưới lớp men răng, bao gồm hàng tỷ các ống ngà dẫn trực tiếp đến tủy răng. Ngà răng kém cứng hơn men răng, chứa tỷ lệ chất vô cơ vào khoảng 75%. Bề dày ngà răng thay đổi trong đời sống do hoạt động của nguyên bào ngà. Ngà răng ngày càng dày theo hướng về phía hốc tủy răng, làm hẹp dần hốc tủy. Màu của ngà răng cũng là màu của răng vì men răng không có màu, nếu mất đi lớp men và cement phủ bên ngoài, ngà răng bị lộ ra sẽ có những sắc thái vàng-trắng khác nhau và có bề mặt ráp hơn men răng. Khi bị lộ lâu ngày ngà răng bị nhiễm màu từ thức ăn, thuốc lá, khiến cho chúng bị chuyển màu vàng hơn. Sự nhiễm màu này là do ngà xốp hơn men răng, do ngà có nhiều những ống nhỏ như bọt biển làm giữ lại các chất màu. Sự nhiễm màu này gây mất thẩm mỹ, là mối lo lắng của nhiều người. Do đó muốn tẩy trắng răng thì thuốc tẩy trắng phải ngấm được vào bên trong lớp ngà và vì thế thường gây nên ê buốt. Do cấu tạo bên trong, giữa các tế bào ngà có những ống nhỏ chứa dây thần kinh và mạch máu. Ngà răng cảm giác với nóng lạnh, chất chua ngọt, và hơi gió lạnh.

c. Tủy răng (Pulp)
Tủy là mô liên kết mềm, nằm trong hốc tủy gồm tủy thân (Pulp Chamber) và tủy chân (Root Canal). Tủy răng trong buồng tủy là tủy thân hay tủy buồng, tủy răng trong ống tủy gọi là tủy chân. Tủy răng chứa nhiều mạch máu, mạch bạch huyết và đầu tận cùng thần kinh để duy trì sự sống và nhận cảm giác của răng. Mạch máu dẫn từ trong xương và đi vào răng từ dưới gốc răng, qua lổ chóp chân răng (Apical Foramen)

2. Tổ chức quanh răng (nha chu)

Nha chu gồm có: xương ổ răng, cement, dây chằng nha chu và lợi.

a. Xương ổ răng (Alveolar Bone)
Xương ổ răng là mô xương xốp, bên ngoài được bao bọc bằng màng xương, nơi lợi bám vào. Xương ổ răng tạo thành một huyệt, có hình dáng và kích thước phù hợp với chân răng. Bề mặt ổ răng nơi tiếp xúc với chân răng, là mô xương đặc biệt và có nhiều lổ thủng để các mạch máu và dây thần kinh từ xương xuyên qua để nuôi dây chằng nha chu. Chiều cao xủa xương ổ tùy theo tuổi và tùy vào sự lành mạnh hay bệnh lý của mô nha chu. Trong viêm nha chu, xương ổ dần tiêu đi, răng không còn chỗ đứng nữa nên sẽ lung lay và rụng sớm.

b. Xê-măng (Cementum)
Xê-măng là phần mô liên kết khoáng hóa, không mạch máu, tạo một lớp mỏng bao phủ quanh chân răng.

c. Dây chằng nha chu (Periodontal Ligament)
Dây chằng nha chu là những bó sợi liên kết, dày khoảng 0.25mm, một đầu bám vào cement, còn đầu kia bám vào xương ổ răng. Dây chằng nha chu có nhiệm vụ giữ cho răng gắn vào xương ổ răng và đồng thời có chức năng là vật đệm, làm cho mỗi răng có sự xê dịch nhẹ độc lập với nhau trong khi ăn nhai là giúp lưu thông máu, truyền lực để tránh tác dụng có hại của lực nhai đối với răng và nha chu. Bình thường khi nhai thức ăn không cứng lắm ta thấy rất êm ái là nhờ tác dụng co dãn của dây chằng nha chu và lực cắn nhai được chia đều trên các răng. Nếu vô tình ta cắn phải một hạt sạn cứng, ta sẽ thấy đau nhói lên là do lực của cả hàm răng chỉ đè lên một răng làm cho nó bị quá tải, chóp răng sẽ chạm mạnh vào xương ổ răng và gây đau. Có khi lực va chạm quá mạnh làm đứt dây thần kinh và mạch máu nuôi răng khiến răng bị chết.

d. Lợi (Gingiva, nướu răng)
Lợi là niêm mạc mô mềm bao phủ răng ở vùng ổ răng để che chở cho chân răng bên dưới. Bình thường nướu răng ở sát cổ răng và có độ hở (không dính chặt với men răng) khoảng 1-2mm, ta gọi là nướu tự do (free gingiva) tạo thành vùng khe nướu (Gingival Sulcus), phần dưới là nướu dính (Attached Gingiva) bám chặc vào dây chằng nha chu. Nướu có màu hồng nhạt và bao quanh cổ răng một lớp rất mỏng, gai nướu ở vùng kẽ răng nhọn. Nướu săn chắc là nướu lành mạnh, nướu phồng rộp dễ chảy máu (khi ấn vào và khi chải răng thấy máu) là nướu đã bị viêm (gingivitis)

Các bạn thấy đấy, cấu tạo răng miệng cũng rất phức tạp và chức năng của răng cũng rất quan trọng không kém các cơ quan khác trong cơ thể. Hãy cùng với Ecare chăm sóc sức khỏe răng miệng nhé! Phòng ngừa hơn điều trị. Các sản phẩm vệ sinh chăm sóc và phòng ngừa bệnh răng miệng đều có tại Ecare Store

Liên hệ Hotline: 0949.910.539 để được tư vấn miễn phí về cách sử dụng sản phẩm và cách chăm sóc răng miệng nhé.
+ Fanpage: FB/ecarestore
+ Cửa hàng: 60 Hai Bà Trưng, Bến Nghé, Quận 1, Hồ Chí Minh

← Bài trước Bài sau →
back to top