Chải răng, vệ sinh kẽ răng và súc miệng là trình tự quen thuộc trong vệ sinh răng miệng. Tuy nhiên, đó chỉ là khởi đầu cho những thói quen tốt. Bạn cần tìm hiểu thêm về kỹ thuật chải răng, từ bỏ thói quen uống nước ngọt và bỏ luôn cả thuốc lá. Và sau đây là 8 lời khuyên giữ sức khỏe răng miệng bạn cần biết:
1. Hãy dành ra một ít thời gian để khám răng định kỳ (Ít nhất là 2 lần/năm). Nha sĩ sẽ chỉ ra các vấn đề răng miệng như sâu răng, viêm nướu, chấn thương hoặc ung thư ngay giai đoạn đầu. Điều này rất hữu ích cho việc điều trị.
2. Trẻ em nên được cho khám răng từ lúc 1 tuổi. Và cho đến khoảng 3 tuổi, trẻ nên được luyện tập để vệ sinh răng miệng. Người lớn tuổi luôn có nhiều vấn đề răng miệng. Chứng viêm đau khớp khiến người lớn tuổi gặp khó khăn khi chải răng và vệ sinh kẽ răng. Ngoài ra, người lớn tuổi còn gặp tình trạng khô tuyến nước bọt, dễ dẫn đến sâu răng, khô miệng, gây cảm giác khó chịu cho người đeo hàm giả.
3. Soda có 2 thành phần là Phosphoric Acid và Citric Acid có thể làm mòn bề mặt răng. Uống 1 lon soda/ngày có thể khiến cho men răng mềm hơn và dễ dẫn đến sâu răng. Thay vào đó, hãy uống nước lọc, và nếu bạn muốn có thêm vài hương vị hãy cho vào nước vài lát chanh, dâu hay lá bạc hà.
4. Đường là thủ phạm chính gây ra sâu răng. Đường là thức ăn của vi khuẩn và gián tiếp tạo ra acid trong khoang miệng, góp phần cho mảng bám hình thành và ăn mòn men răng, tổn hại nướu. Răng miệng phải tốn đến 20 phút để trung hòa axit từ đường có trong mỗi thực phẩm bạn dùng. Để tránh bị sâu răng, hãy cố gắng cắt giảm lượng đường tiêu thụ mỗi ngày, chăm chỉ chải răng và vệ sinh kẽ răng sau mỗi bữa ăn.
5. Hãy bỏ thuốc lá. Chất Nicotine trong thuốc lá không chỉ làm vàng răng mà con tổn hại nướu. Hút thuốc tạo ra môi trường lý tưởng cho vi khuẩn và mảng bám xuất hiện trên răng và viền nướu. Chúng gây hại cho mô nướu, làm thoái hóa xương hàm và có thể gây mất răng. Thậm chí, thuốc lá còn có thể dẫn đến ung thư vòm họng.
6. Bạn nên dùng bàn chải răng lông mềm. Nếu bạn chải răng đúng kỹ thuật thì sau khoảng 3 tháng, các sợi lông bàn chải sẽ bị cong hoặc bị cùn đi. Nếu cứ tiếp tục chải răng với bàn chải cũ có thể làm đau răng và nướu. Lúc này, bạn cần đổi bàn chải mới.
7. Mặc dù bạn đã chải răng 2 lần/ngày như lời khuyên nha sĩ, nhưng có thể bạn chải răng không đúng kỹ thuật và kết quả là răng vẫn còn mảng bám, vẫn bị sâu răng và viêm nướu. Hãy giữ bàn chải răng một góc 45 độ so với nướu, chuyển động tròn và nhẹ nhàng trên từng chiếc răng. Mỗi răng chải khoảng 10-15 lần và không chải quá mạnh. Việc chải răng nhiều với lực mạnh có thể gây tuột nướu và mòn men răng.
8. Vệ sinh kẽ răng giúp cho răng và nướu khỏe mạnh. Giống chải răng, vệ sinh kẽ răng sai cách có thể làm tổn thương nướu. Dù bạn sử dụng chỉ nha, tăm chỉ hay bàn chải kẽ, bạn cũng phải tuân thủ các quy tắc và hướng dẫn sử dụng sản phẩm. Nhằm mang lại hiệu quả chăm sóc cao nhất.