Để sức khỏe tổng thể được tốt, việc chăm sóc răng miệng rất quan trọng. Nhưng đôi khi, dù bạn có chăm chải răng thì bạn vẫn thấy răng mình đổi màu. Đó có thể chỉ là một vết ố nhỏ trên răng, nhưng cũng có thể là giai đoạn đầu của sâu răng. Vậy làm thế nào để phân biệt được đâu là vết ố bình thường trên răng, đâu là sâu răng? Hãy cùng với Ecare tìm hiểu thêm qua bài viết dưới đây.
1. Phân biệt giữa sâu răng và vết ố
Vết ố trên răng và sâu răng rất dễ bị nhầm lẫn với nhau. Sâu răng là một thương tổn vĩnh viễn trên bề mặt răng. Sâu răng có thể phát triển theo thời gian và khó phục hồi. Trong khi đó, vết ố trên răng có thể trong giống như sâu răng giai đoạn đầu nhưng có thể biến mất sau khi chải răng hoặc chăm sóc răng miệng đúng cách. Nhưng đôi khi, sự khác biệt giữa hai vấn đề này không quá rõ ràng. Chúng ta hãy xem xét kỹ hơn về răng của bạn để giúp bạn xác định xem sự đổi màu là do sâu răng hay do vết ố.
a. Đốm đen lan rộng thế nào?
Đầu tiên, bạn cần kiểm tra mức độ lan rộng của đốm đen. Có một điểm duy nhất trên răng của bạn? Hay toàn bộ răng đều bị đổi màu? Khi sự đổi màu ảnh hưởng đến toàn bộ răng hoặc các răng xung quanh, nhiều khả năng đó là vết ố. Mặt khác, một đốm trên răng hoặc các đốm trên các răng xung quanh có màu sắc như nâu, đen, xám... thường có thể là dấu hiệu của sâu răng.
b. Triệu chứng kèm theo
Một đốm nâu hoặc đen trên răng không phải là dấu hiệu duy nhất của sâu răng. Sâu răng cũng có những triệu chứng không xảy ra với vết ố trên răng, bao gồm:
+ Nhạy cảm: khi bị sâu răng, bạn có thể cảm thấy ê buốt xung quanh chiếc răng bị sâu khi ăn đồ ăn thức uống nóng lạnh hoặc nhiều đường và axit (chua).
+ Xuất hiện lỗ sâu răng: sâu răng không chỉ có thể gây ra các đốm đen mà còn hình thành các lỗ sâu có thể nhìn thấy được trên răng của bạn. Sâu răng bắt đâu từ một lỗ nhỏ, sau đó trở nên lớn hơn và sâu hơn nếu không được điều trị.
+ Đau răng: nếu không điều trị, tình trạng khó chịu ở răng có thể tiến triển từ cảm giác ê buốt nhẹ từng đợt đến cơn đau dai dẳng. Đau răng xảy ra khi sâu răng đến mức viêm tủy. Cảm giác khó chịu có thể lan đến hàm, tai hoặc má.
2. Nguyên nhân gây ra vết ố và sâu răng?
Dư lượng từ thực phẩm và đồ uống là nguyên nhân phổ biến gây ra vết ố trên răng. Những vết bẩn này có thể xuất hiện đột ngột và đôi khi biến mất nhanh chóng. Bạn có thể bị ố màu răng nếu uống nhiều cà phê, trà, rượu vang, nước ngọt... Răng ố vàng cũng có thể xảy ra sau khi ăn thực phẩm làm từ cà chua. Để hạn chế vết ố trên răng, bạn có thể giảm bớt những loại thực phẩm này ra khỏi khẩu phần ăn. Ngoài ra, còn có những nguyên nhân khác gây ố vàng răng như:
+ Hút thuốc lá.
+ Lão hóa men răng khiến răng bị mòn theo tuổi tác, để lộ ngà răng màu vàng bên dưới.
+ Tiêu thụ quá nhiều Fluoride khi răng đang phát triển có thể gây ra đốm trắng trên răng.
+ Một số loại thuốc, chẳng hạn như thuốc kháng sinh và thuốc hạ huyết áp sẽ khiến răng bị đổi màu.
+ Tích tụ cao răng (mảng bám cứng) trên răng.
Theo các chuyên gia nha khoa, sâu răng phát triển theo thời gian khi axit trong mảng bám từ từ ăn mòn men răng. Mảng bám là một màng dính vi khuẩn hình thành trên răng. Khi men răng của bạn yếu đi, các lỗ sâu có thể phát triển trên răng của bạn. Các yếu tố nguy cơ gây sâu răng bao gồm:
+ Vệ sinh răng miệng kém, chẳng hạn như không đánh răng hoặc vệ sinh kẽ răng thường xuyên
+ Khô miệng
+ Trào ngược axit dạ dày
+ Ăn quá nhiều thực phẩm, đồ uống có đường hoặc axit
+ Không hấp thu đủ Fluoride
3. Tôi nên làm gì nếu bị ố răng?
Bạn có nhiều lựa chọn để loại bỏ vết bẩn và điều trị sâu răng:
+ Hạn chế các thực phẩm, đồ uống làm ố vàng răng.
+ Chải răng hằng ngày: chải răng ngay sau bữa ăn, bữa ăn nhẹ và sau khi uống đồ uống có màu tối có thể ngăn ngừa vết ố và đổi màu.
+ Làm trắng răng tại nhà: miếng dán làm trắng và kem đánh răng làm trắng... là những sản phẩm có thể giúp loại bỏ vết bẩn trên bề mặt men răng ngay tại nhà.
+ Cân nhắc tẩy trắng răng tại phòng nha: đối với những vết bẩn sâu hơn, phương pháp tẩy trắng tại nhà có thể không đủ. Các phương pháp điều trị làm trắng chuyên nghiệp có thể đẩy nhanh quá trình làm trắng, mang lại kết quả rõ rệt hơn.
4. Sâu răng được điều trị như thế nào?
Nếu bạn bị sâu răng, bạn không thể tự điều trị tại nhà được. Bạn chỉ có thể ngăn chặn sâu trong giai đoạn đầu. Nếu sâu răng đã hình thành lỗ sâu, bạn chỉ có thể hẹn khám tại phòng nha để được khám và điều trị.
5. Ngăn ngừa vết ố vàng răng và sâu răng
Dưới đây là một số lời khuyên để ngăn ngừa sự đổi màu răng và sâu răng.
+ Chải răng ít nhất 2 lần/ngày bằng kem đánh răng có Fluoride.
+ Dùng kem đánh răng làm trắng răng để đánh bay các vết ố khó loại bỏ.
+ Súc miệng bằng nước sau khi uống đồ uống có màu sẫm như cola, trà, cà phê.
+ Vệ sinh kẽ răng hàng ngày để loại bỏ các mảnh vụn thức ăn.
+ Uống nước bằng ống hút để giảm vết ố.
+ Hạn chế hoặc bỏ hút thuốc.
Vết ố và sâu răng có thể trông giống nhau nhưng chúng hoàn toàn không giống nhau. Mặc dù sâu răng có thể gây ố răng nhưng sự đổi màu thường là do thói quen ăn uống và sinh hoạt.