Cách vệ sinh và khử khuẩn bàn chải răng

Cách vệ sinh và khử khuẩn bàn chải răng

Chúng ta sử dụng bàn chải răng để vệ sinh răng miệng, loại bỏ mảng bám và vi khuẩn hằng ngày. Bàn chải răng giúp răng miệng sạch hơn, nhưng sau đó, bàn chải cũng tiếp xúc và mang theo bên nó vi khuẩn và cặn bã từ trong miệng. Thường thì chúng ta bảo quản bàn chải răng trong phòng tắm, nhà vệ sinh, nơi mà tồn tại rất nhiều vi khuẩn trong không khí. Và điều này cũng góp phần làm bẩn thêm bàn chải răng của bạn. Để sử dụng một chiếc bàn chải răng vệ sinh và an toàn cho sức khỏe, bạn cần phải làm sạch và khử khuẩn bàn chải thường xuyên. Bài viết này sẽ mang đến cho bạn một vài cách làm sạch và khử khuẩn bàn chải răng dễ thực hiện và hiệu quả tốt.

1. Cách vệ sinh bàn chải răng

Thay vì chỉ rửa qua nước dưới vòi, bạn có thể thực hiện một vài phương pháp giúp làm sạch bàn chải răng sau khi sử dụng như sau:

   a. Rửa sạch bằng nước nóng

Rửa sạch lông bàn chải sau khi sử dụng bằng nước nóng là một phương pháp loại bỏ vi khuẩn hiệu quả và đơn giản nhất. Ngoài ra, trước khi chải răng, bạn rửa bàn chải bằng nước nóng sẽ giúp loại bỏ vi khuẩn tích tụ trên bàn chải răng trong suốt nhiều giờ bảo quản trong môi trường phòng vệ sinh. 

Đối với hầu hết chúng ta, sử dụng nước nóng và sạch là đủ để vệ sinh bàn chải răng giữa các lần sử dụng. Trước khi chải răng, bạn hãy dội rửa lông bàn chải bằng nước nóng (dạng nước sôi hoặc nước nóng đủ để tạo ra hơi nước). Sau khi chải răng và súc miệng, bạn hãy dùng nước nóng dội rửa lông bàn chải thêm lần nữa, để làm sạch kỹ hơn.

   b. Ngâm bàn chải trong nước súc miệng kháng khuẩn

Nếu việc dội rửa nước nóng không làm bạn yên tâm, bạn có thể ngâm đầu bàn chải trong ly nước súc miệng kháng khuẩn. Tuy nhiên, vì nước súc miệng có chứa nhiều thành phần hóa học mạnh, sẽ có thể làm mòn bàn chải nhanh hơn, khiến cho lông bàn chải nhanh bị hỏng hơn. 

Để thực hiện phương pháp này, bạn cho nước súc miệng ra một cốc nhỏ, rồi ngâm đầu bàn chải trong cốc khoảng 2 phút sau mỗi lần chải răng.


Ngâm bàn chải trong dung dịch kháng khuẩn. (Ảnh: internet)

   c. Khử khuẩn bàn chải răng bằng cách đun sôi

Phương pháp đun sôi bàn chải răng có thể đạt hiệu quả khử khuẩn cao nhất, nhưng rất dễ làm hỏng bàn chải. Hầu hết tay cầm nhựa của bàn chải răng sẽ bị chảy khi đun lâu trong nước sôi. Nếu bạn vẫn muốn sử dụng phương pháp này, hãy một nồi nước trên bếp, sau khi nước sôi, tắt bếp và nhúng bàn chải răng vào khoảng 30 giây rồi lấy ra.

   d. Vệ sinh bàn chải bằng dung dịch tẩy rửa răng giả

Ngoài những phương pháp trên, bạn còn có thể dùng dung dịch làm sạch răng giả để khử khuẩn bàn chải răng. Dung dịch làm sạch răng giả có chứa thành phần kháng khuẩn và mảng bám nên có thể có tác dụng tương tự với bàn chải răng. Sử dụng bằng cách cho dung dịch tẩy rửa ra cốc nước rồi nhúng bàn chải răng vào trong 90 giây để khử khuẩn. Lưu ý là không được dùng dung dịch đã qua sử dụng để vệ sinh bàn chải răng.

   e. Khử trùng bàn chải bằng UV

Trên thị trường hiện nay có một loại sản phẩm giúp khử trùng bàn chải răng bằng tia UV. Khi so sánh viớ nước muối và dung dịch sát khuẩn, các chuyên gia cho ra kết luận rằng tia UV giúp khử trùng bàn chải răng hiệu quả hơn. Tuy nhiên, bạn có thể tốn nhiều chi phí cho thiết bị này mà thực tế thì bạn cũng không cần thiết phải sở hữu một cái để có thể làm sạch bàn chải. Sử dụng hay không, không có sự khác biệt nhiều, vì thế đó là sự lựa chọn của bạn.

2. Vệ sinh đầu thay bàn chải điện

Để vệ sinh và khử khuẩn đầu bàn chải điện, bạn có thể dùng các phương pháp như với bàn chải răng thông thường. Đảm bảo ngắt kết nối bàn chải răng khỏi đế sạc để giữ an toàn trong quá trình vệ sinh. Tốt nhất, bạn nên rút đầu thay bàn chải ra khỏi tay cầm để vệ sinh an toàn hơn. Nếu bàn chải răng bạn sử dụng là loại không thể tháo rời, bạn chỉ cần ngâm đầu bàn chải trong cốc nước ấm hoặc nước súc miệng, và bảo quản nơi khô ráo, sạch sẽ.

3. Bảo quản sạch sẽ bàn chải răng

Sau khi đã được khử trùng, bạn có thể giữ sạch bàn chải răng bằng những cách sau đây:

   a. Ngâm trong dung dịch Hydrogen Peroxide được thay đổi hàng ngày

Ngâm đầu bàn chải trong một cốc nhỏ dung dịch Hydrogen Peroxide là một cách tiết kiệm để hạn chế sự phát triển vi khuẩn trên lông bàn chải. Nếu dùng phương pháp này, bạn phải đảm bảo thay mới dung dịch mỗi ngày để quá trình bảo quản đạt hiệu quả tối ưu.

   b. Không nên để các bàn chải răng cạnh nhau

Để nhiều bàn chải răng cạnh nhau trong một cốc có thể gây ra sự lây nhiễm chéo vi khuẩn giữa các bàn chải. Nếu gia đình bạn có nhiều người, hãy cho mỗi cây bàn chải vào một cốc riêng cho mỗi người và đặt cách xa nhau.


Tránh để bàn chải cạnh nhau. (Ảnh: internet)

   c. Giữ nó càng xa nhà vệ sinh càng tốt

Nhà vệ sinh thật ra không vệ sinh như bạn nghĩ. Khi bạn xả nước trong bồn vệ sinh, vi khuẩn sẽ bay vào không khí tạo nên hiệu ứng "bụi nhà vệ sinh". Hiệu ứng này khiến cho vi khuẩn có hại bị văng ra khắp phòng vệ sinh và lây lan lên các bề mặt, bao gồm cả bàn chải răng. Bạn nên có một tủ thuốc hoặc tử đựng đồ dùng cá nhân được đóng kín, và lưu trữ bàn chải trong tủ, hoặc đơn giản nhất là bạn bảo quản bàn chải răng bên ngoài nhà vệ sinh, cách càng xa nhà vệ sinh càng tốt.

   d. Làm sạch nắp và giá đựng bàn chải đánh răng

Vi khuẩn từ lông bàn chải có thể bám bào những vật xung quanh nó, chẳng hạn như nắp đậy bàn chải, hộp đựng và giá đựng bàn chải. Bạn cần đảm bảo vệ sinh những nơi này khoảng 2 tuần/lần để khăn ngừa hại khuẩn. Thật ra, không cần thiết phải dùng nắp đậy bàn chải, nhưng nếu bạn muốn sử dụng, bạn phải đảm bảo lông bàn chải khô trước trước khi đậy nắp. Bàn chải lông ướt có nhiều khả năng khiến cho vi khuẩn phát triển.

   e. Sử dụng hộp đựng kem đánh răng

Khi bôi kem đánh răng lên đầu bàn chải, việc tiếp xúc này có khả năng truyền vi khuẩn. Bạn có thể dùng các loại dụng cụ hỗ trợ bơm kem đánh răng để giảm nguy cơ lây nhiễm chéo.

4. Thay bàn chải răng

Nếu bạn đã xác định bàn chải của mình đầy vi khuẩn, thì cách tốt nhất đảm bảo an toàn cho bạn chính là thay bàn chải mới. Theo lời khuyên nha sĩ, bạn vẫn nên thay bàn chải sau mỗi 3-4 tháng. Tuy nhiên, bạn có thể thay bàn chải sớm hơn khi gặp những trường hợp sau:
   - Lông bàn chải bị mòn, bị cong hoặc sờn, không thể làm sạch răng hiệu quả.
   - Có người trong gia đình bạn bị ốm, mắc bệnh truyền nhiễm, chẳng hạn như viêm họng liên cầu khuẩn hoặc cúm, việc tiếp tục sử dụng bàn chải đánh răng của bạn có thể làm lây nhiễm bệnh.
   - Nếu có ai khác sử dụng bàn chải của bạn, bạn không cách nào khử trùng hoàn toàn được. 

Vệ sinh và bảo quản bàn chải răng đúng cách có thể bảo vệ sức khỏe của bản thân và gia đình. Bạn có thể tìm mua các sản phẩm nước súc miệng sát khuẩn tại các hiệu thuốc hoặc siêu thị. Bạn có thể liên hệ Ecare Store để được tư vấn sản phẩm giúp khử khuẩn bàn chải răng và tư vấn bàn chải răng mới trong trường hợp bạn muốn thay bàn chải.
 

← Bài trước Bài sau →
back to top