Chải răng sai cách và hướng dẫn điều chỉnh

Chải răng sai cách và hướng dẫn điều chỉnh

Chải răng mỗi ngày hai lần vào mỗi sáng và tối đã trở thành một thói quen của mỗi người. Thậm chí có những người kỹ lưỡng hơn, họ sẽ chải răng sau khi ăn. Mặc dù quen thuộc với việc chải răng nhưng lại có không ít người thực hiện sai cách dẫn đến hại nhiều hơn lợi. Sau đây là một số lỗi thường gặp khi chải răng và những hướng dẫn điều chỉnh thói quen chải răng.

1. Chọn bàn chải răng không phù hợp

Khi đến siêu thị hay cửa hàng, bạn thường chọn mua bàn chải răng như thế nào? Bạn có bao giờ tìm hiểu kỹ công dụng của bàn chải và chất lượng sản phẩm trước khi quyết định bỏ vào giỏ hàng hay không? Hay chẳng qua bạn chỉ mua bàn chải vì nó là một vật thường dùng mỗi sáng, không quan trọng nó như thế nào, miễn có là được?


Chọn sai bàn chải sẽ gây thêm tổn thương cho răng

Một bàn chải có thể thực hiện đúng chức năng của nó khi bạn chắc chắn rằng lông bàn chải có thể bao phủ và làm sạch từng chiếc răng. Nó có thể là một cây bàn chải thông thường với giá vài chục nghìn cho đến một cây bàn chải điện cao cấp với giá vài triệu. Nhưng quy tắc cần phải có đó là lông mềm, bền chắc, có thể uống cong và có thể len vào viền nướu răng để làm sạch mảng bám. Kích thước của đầu bàn chải cũng rất quan trọng, đặc biệt đối với người có miệng nhỏ. Phần quan trọng nhất trên bàn chải răng chính là lông bàn chải, những sợi lông có thể loại bỏ vi khuẩn và mảng bám khỏi răng và nướu của bạn. Hãy từ bỏ suy nghĩ rằng lông bàn chải càng cứng thì chải răng càng sạch. Những loại bàn chải lông cứng sẽ làm cho tình trạng răng miệng tồi tệ thêm. Nhiều nghiên cứu đã chứng minh rằng bàn chải lông mềm làm sạch mảng bám tốt hơn và tất nhiên là chúng không gây mòn men răng. 

2. Chải răng quá mạnh

Một trong những lỗi mà mọi người hay mắc phải chính là dùng nhiều sức để chà răng. Chải răng không phải như chà vết bẩn trên xoong nồi, việc cố gắng chà thật mạnh với tâm lý làm vậy có thể loại bỏ mảng bám và vết ố là một suy nghĩ hoàn toàn sai lầm. Hành động này chỉ có thể đẩy nhanh quá trình mài mòn men răng và làm cho răng ố vàng hơn do phần ngà răng bị lộ ra, kèm theo là ê buốt răng mãn tính. Mảng bám thật sự mềm, bạn không cần dùng lực quá mạnh để loại bỏ chúng. Nếu là cao răng cứng thì bạn chỉ có thể đến nha sĩ để thực hiện thủ thuật cạo vôi răng. Từ khoảng 12 tuổi trở đi, răng chúng ta đang sở hữu chính là răng vĩnh viễn, nếu hư rồi sẽ không mọc lại được. Do đó, hãy nhẹ nhàng chăm sóc, nâng niu chúng. 


Chải răng quá mạnh khiến cho men răng mau mòn

3. Chải răng vội vã

Chúng ta thường được khuyên răn là nên chải răng ít nhất 2 lần/ngày, mỗi lần ít nhất 2 phút. Nhưng đối với những con người sống trong thời hiện đại, thời gian là tiền bạc. Và vì thế thời gian họ bỏ ra cho những việc mà họ xem là kém quan trọng cũng sẽ ít đi. Trong đó có thời gian chải răng. Mọi người cần phải hiểu rằng chăm sóc sức khỏe răng miệng là một việc rất quan trọng. Răng miệng chính là một phần thiết yếu trong hệ thống cơ thể chúng ta. Sức khỏe răng miệng kém dễ dẫn đến các bệnh lý nghiêm trọng khác. Do đó, thời gian chải răng tuy có 2 phút nhưng lại rất quan trọng. Hãy biết tôn trọng và yêu thương chính mình bằng việc dành đủ thời gian cho việc chải răng hằng ngày. Hãy thực hiện mọi biện pháp có thể để đảm bảo rằng bạn dành ít nhất là 2 phút cho một lần vệ sinh răng miệng. 

4. Không thay bàn chải

Bạn mua được ở đâu đó một cây bàn chải rất tốt và rất đẹp đến nỗi bạn sử dụng nó một thời gian rất dài mà vẫn không nỡ bỏ. Thông thường một cây bàn chải đánh răng dù tốt hay bền như thế nào thì cũng chỉ có thể sử dụng tối đa là 4 tháng, đó là chưa kể đến những thời điểm bạn bị cảm cúm, việc chải răng có thể lưu lại vi khuẩn trên lông bàn chải. Lông bàn chải khi bị sờn sẽ mất đi chức năng làm sạch vốn có của nó. Tùy theo mức độ hư hại sợi lông mà khoảng 3-4 tháng chúng ta nên thay bàn chải một lần. Và đặc biệt là sau những lần bệnh nặng, nếu không muốn nguy cơ tái phát bệnh cao hơn thì chúng ta cũng nên thay bàn chải mới. Bàn chải phải được giữ sạch và khô ráo, tránh để gần bồn vệ sinh vì có thể bị nhiễm khuẩn. 


Nên đổi bàn chải mỗi 3-4 tháng để đảm bảo sức khỏe răng miệng

5. Chải răng sai cách

Nhiều người có thói quen chải răng rất đơn giản, chải tới, chải lui, hết. Việc chải răng từ trái qua phải hay từ phải qua trái cũng đều khiến cho mảng bám chui tọt vào kẽ răng chứ không hề loại bỏ chúng khỏi răng. Bên cạnh đó, việc chỉ chải ngang như vậy sẽ khiến cho răng bị mòn ở phần thân do áp lực đè lên khu vực giữa răng quá nhiều so với các vùng khác. Hãy thay đổi thói quen chải răng. Lông bàn chải đặt ở một góc khoảng 45 độ so với nướu sao cho sợi lông có thể len vào viền nướu răng, lông bàn chải bao trùm cả chiếc răng. Ta bắt đầu nhẹ nhàng mát-xa răng và nướu theo phương xoay tròn. 

6. Bạn quên vệ sinh viền nướu răng

Nơi nào là nơi tập trung mảng bám và vi khuẩn nhiều nhất trên răng của bạn? Đó chính là viền nướu răng. Viền nướu là nơi gắn kết giữa răng và nướu, nó có khoảng 1 mm khoảng không gian răng và nướu không dính chặt với nhau. Nếu mảng bám tích tụ tại vùng này quá nhiều đóng thành cao răng sẽ làm cho khoảng trống này rộng ra thêm, tích tụ nhiều vi khuẩn hơn và cuối cùng dẫn đến bệnh viêm nướu. Sai lầm mà chúng ta thường gặp phải đó là dành quá nhiều thời gian cho việc chải bề mặt răng mà quên vệ sinh phần viền nướu. Bàn chải của bạn cần phải có sợi lông mềm, nhỏ và dai, để chúng có thể len vào 1 mm khoảng trống này và làm sạch mảng bám trong đó. Việc chải răng chính là làm sạch toàn bộ răng, vệ sinh từng ngóc ngách của răng. Đừng quên vệ sinh cả lưỡi, mảng bám chứa vi khuẩn có thể ở khắp nơi trong khoang miệng, bao gồm cả lưỡi. 


Vệ sinh viền nướu răng giúp ngăn ngừa viêm nướu

7. Chải răng ngay sau khi ăn

Ngay sau ăn xong bữa cơm chỉ một vài phút, bạn lao ngay vào nhà vệ sinh để chải răng. Bạn cho rằng hành động này là tốt cho việc làm sạch mảng bám trên nhưng bạn đang làm một việc hoàn toàn sai lầm. Sau khi ăn, axit từ thực phẩm vẫn tồn tại trên răng của bạn. Hãy để một khoảng thời gian chừng 30 phút cho nước bọt trung hòa axit này đi rồi mới nghĩ đến việc chải răng. Khi axit còn trên răng, men răng đang ở trạng thái mềm hơn bình thường, rất dễ tổn thương. Việc chải răng ngay lúc đó sẽ khiến men răng mòn nhanh hơn. Trước khi chải răng, bạn nên súc miệng trước bằng nước để loại bỏ được phần nào vi khuẩn, mảng bám và axit trên răng. 

8. Bạn không vệ sinh cẩn thận

Bạn có thể vệ sinh nhiều lần trong ngày, nhưng điều quan trọng là một lần trong số đó phải thật cẩn thận, vệ sinh từng ngóc ngách một trong miệng. Hãy đảm bảo kết hợp đầy đủ việc chải răng, vệ sinh kẽ răng, viền nướu răng, súc miệng diệt khuẩn, cạo lưỡi... Vi khuẩn và mảng bám phát triển sau mỗi 24 giờ. Vì thế cứ mỗi 24 giờ, bạn làm khuấy động sự liên kết của mảng bám khiến chúng không tích tụ được thì sẽ không sinh ra vi khuẩn. 

Bên trên là những sai lầm khi chải răng và những biện pháp sửa sai cho những sai lầm đó. Nếu bạn có thêm thắc mắc về vấn đề chăm sóc răng miệng hằng ngày, hãy liên hệ ngay với Ecare Store. Tư vấn viên sẽ giải đáp các thắc mắc và đưa ra những lời khuyên cũng như sản phẩm phù hợp với bạn nhất.

← Bài trước Bài sau →
back to top