Những điều cần biết về đau nhức răng khôn

Những điều cần biết về đau nhức răng khôn

Nếu bạn đang ở độ tuổi từ 20 đến 30 thì chắc chắn bạn đã trải qua ít nhất một lần những cơn đau nhức khi mọc răng khôn. Đây là bộ răng hàm thứ ba trong miệng của một người trưởng thành. Nếu may mắn, chiếc răng khôn mọc thẳng, thì bạn chỉ bị đau nhức trong thời gian mọc răng thôi. Tuy nhiên, có rất nhiều người có chiếc răng khôn mọc lệch bị mắc kẹt dưới nướu hoặc dưới chiếc răng hàm bên cạnh, gây đau nhức, sâu răng, viêm nướu và các vấn đề nha khoa khác. Bài viết dưới đây, Ecare sẽ gửi đến những ai đang chịu đựng những cơn đau nhức răng vì mọc răng khôn, để biết được nguyên nhân và cách điều trị với răng khôn mọc lệch.

1. Các triệu chứng của răng khôn mọc lệch

Thật ra, không phải chiếc răng khôn mọc lệch nào cũng gây ra nhiều vấn đề cho khổ chủ. Có nhiều người không hề thấy đau đớn gì hay bất cứ triệu chứng nào khi mọc răng, nhưng một số người thì gặp đủ mọi triệu chứng, từ đau răng, nóng sốt, viêm họng, hôi miệng...

Răng khôn khi mọc lệch sẽ đâm xuyên qua nướu một phần, khi đó phần mọc ra khỏi nướu sẽ bị vi khuẩn trong môi trường răng miệng ảnh hưởng, đồng thời rất dễ gây vướng các mảnh thức ăn vụn, làm cho việc vệ sinh răng miệng khó hơn, tạo điều kiện cho sâu răng dễ phát triển hơn. Đối với một vài người khi xuất hiện răng khôn mọc lệch sẽ cảm thấy rất đau.

Nếu răng khôn mọc lệch bị nhiễm trùng hoặc gây ra các vấn đề khác, người bệnh có thể có các triệu chứng như:

  • Đau hoặc sưng quanh hàm
  • Nướu đỏ, sưng hoặc chảy máu
  • Hôi miệng và một vị khó chịu xuất hiện trong miệng của bạn
  • Gặp khó khăn khi mở miệng to

Có một số trường hợp, chiếc răng khôn có thể không bao giờ đâm xuyên qua nướu. Đây được gọi là răng khôn mọc ngầm hoàn toàn.

2. Điều gì khiến cho răng khôn mọc lệch?

Thông thường, răng khôn mọc lệch là do xương hàm không đủ chỗ cho toàn bộ răng vĩnh viễn. Điều này khiến cho răng mọc cuối cùng bị lệch đi, hoặc có khi răng khôn mọc ngang gần như vuông góc với chiếc răng hàm số 7.

3. Các yếu tố xuất hiện răng khôn mọc lệch

Nếu bạn đang ở độ tuổi từ 20 – 30 và bạn có một cấu trúc xương hàm nhỏ thì khả năng xuất hiện răng khôn mọc lệch rất cao. Mọc răng khôn là chuyện tự nhiên, không có cách nào ngăn ngừa được, nên bạn chỉ có thể làm giảm nhẹ các triệu chứng bằng cách vệ sinh răng miệng thật tốt. Nếu chiếc răng khôn mọc lệch ảnh hưởng nhiều đến sinh hoạt hằng ngày thì biện pháp tốt nhất là đến phòng nha thực hiện nhổ răng khôn.


Xương hàm nhỏ một yếu tố chính làm cho răng khôn mọc lệch. (Nguồn ảnh: internet)

4. Làm thế nào để chẩn đoán ra một chiếc răng khôn mọc lệch?

Chỉ với phương pháp khám lâm sàng kết hợp chụp hình X-quang miệng là nha sĩ có thể xác định được răng khôn mọc lệch và vị trí lệch của răng sẽ ảnh hưởng đến các răng khác như thế nào. Trong trường hợp răng mọc lệch gây ảnh hưởng nhiều, nha sĩ có thể cho bạn lời khuyên để điều trị. Thường là áp dụng phương pháp phẫu thuật nhổ răng khôn.

5. Răng khôn mọc lệch được điều trị như thế nào?

Nếu răng khôn mọc lệch gây ra các triệu chứng hoặc vấn đề về răng miệng, nha sĩ có thể đề nghị nhổ chúng đi. Phẫu thuật nhổ bỏ răng khôn thường là một thủ thuật ngoại trú. Bạn có thể về nhà ngay trong ngày. Khi thực hiện phẫu thuật, nha sĩ có thể dùng đến thuốc gây tê hoặc thậm chí gây mê (đối với một số trường hợp khó). Trong quá trình phẫu thuật, bác sĩ phẫu thuật sẽ cắt nướu và loại bỏ phần xương có vấn đề trước khi nhổ răng. Họ sẽ đóng vết mổ bằng các mũi khâu và băng kín khoảng trống bằng gạc. Toàn bộ ca phẫu thuật thường mất khoảng 30 đến 60 phút.

Nếu răng khôn mọc ngầm hoàn toàn và chôn sâu trong nướu hoặc xương hàm, bác sĩ phẫu thuật của bạn có thể khó lấy chúng ra hơn so với khi chúng đã mọc xuyên qua nướu.

6. Phục hồi sau khi nhổ răng khôn

Hầu hết mọi người có thể trở lại hoạt động bình thường một vài ngày sau khi phẫu thuật. Phải mất đến 6 tuần để vết thương lành hẳn. Bạn có thể sẽ không thể mở miệng bình thường trong khoảng một tuần, vì vậy bạn sẽ cần ăn thức ăn mềm. Sau phẫu thuật, bạn có thể bị đau, chảy máu và sưng tấy. Bác sĩ sẽ cung cấp cho bạn các hướng dẫn cụ thể để kiểm soát sự khó chịu, chẳng hạn như dùng thuốc giảm đau và chườm lạnh.

Mặc dù hiếm gặp, nhưng bạn có thể bị nhiễm trùng ổ răng. Điều này xảy ra khi cục máu đông được cho là hình thành sau phẫu thuật không hình thành đúng cách hoặc bị bật ra khỏi ổ răng và để lộ xương. Một số nghiên cứu cho rằng răng khôn mọc ngầm có thể dẫn đến đau nhiều hơn và các vấn đề khác sau phẫu thuật.


Nha sĩ sẽ hướng dẫn cụ thể cách chăm sóc răng hậu phẫu. (Nguồn ảnh: internet)

7. Có phải lúc nào cũng cần nhổ răng khôn?

Nếu chiếc răng khôn không gây ra vấn đề gì, nha sĩ có thể đề nghị không làm gì khác hơn việc chăm sóc răng miệng thật tốt. Thật ra, vấn đề này cho đến nay vẫn có rất nhiều tranh cãi giữa việc nên nhổ hay không nhổ răng khôn không gây ảnh hưởng. Trong trường hợp bạn và nha sĩ thống nhất quyết định bỏ qua phẫu thuật thì bạn sẽ cần được theo dõi sức khỏe răng miệng thường xuyên hơn.

8. Các biến chứng của răng khôn mọc lệch

Răng khôn khó làm sạch và thức ăn có thể mắc kẹt trong đó. Nếu một chiếc răng khôn không được loại bỏ, nó có thể dẫn đến một số vấn đề, chẳng hạn như:

  • Nhiễm trùng răng
  • Sâu răng
  • Răng mọc chen chúc
  • Khó vệ sinh kẽ răng
  • Tổn thương các răng khác
  • U nang
  • Bệnh về nướu

Do những biến chứng tiềm ẩn này, một số nha sĩ sẽ đề nghị phẫu thuật cho răng khôn mọc ngầm, ngay cả khi chúng không gây ra triệu chứng. Dù bạn được chỉ định nhổ hay không nhổ răng khôn thì việc chăm sóc răng miệng hằng ngày vẫn cần thực hiện đúng cách và đều đặn. Bạn vẫn nên tham khảo phương pháp chăm sóc răng miệng hoàn chỉnh nhất với các dụng cụ chăm răng chất lượng cao giúp loại bỏ mảng bám tốt nhất. Bạn có thể liên hệ Ecare Store để nhận được tư vấn từ những nhân viên đầy kinh nghiệm.

← Bài trước Bài sau →
back to top