Tổng quan về khô miệng

Tổng quan về khô miệng

Nước bọt rất cần thiết cho hệ tiêu hóa. Nó giúp làm ẩm và phân hủy thức ăn, đồng thời cũng là một cơ chế bảo vệ cho sức khỏe răng miệng. Khô miệng thường xảy ra khi các tuyến nước bọt trong miệng không tiết đủ nước bọt. Tình trạng này gây ra cảm giác khô khốc, khó chịu trong khoang miệng. Nó cũng xuất hiện thêm những triệu chứng khác như khô họng, nứt môi... Bản thân vấn đề khô miệng cũng không phải là một bệnh lý nghiêm trọng. Nhưng khô miệng có thể là triệu chứng của những bệnh lý nghiêm trọng khác. Vì thế, khi bị khô miệng, bạn cần tìm hiểu nguyên nhân cụ thể để kịp thời điều trị.

1. Nguyên nhân gây khô miệng?

Có nhiều nguyên nhân gây ra khô miệng. Nếu là các nguyên nhân thông thường thì bạn có thể dễ dàng xử lý tại nhà. Nhưng nếu đó là triệu chứng của bệnh lý, thì nhất thiết là bạn phải đi khám bác sĩ để tìm ra nguyên nhân. Những nguyên nhân có thể gây khô miệng bao gồm:

   + Mất nước: Điều này xảy ra khi cơ thể mất quá nhiều chất lỏng mà không được bổ sung. Nguyên nhân mất nước có thể do nôn mửa, tiêu chảy, đổ mồ hôi quá nhiều, hoặc mất máu. Khi bị mất nước, cơ thể không tiết ra nhiều nước bọt như bình thường khiến bạn bị khô miệng.

   + Tác dụng phụ của thuốc trị bệnh: Nhiều loại thuốc điều trị bệnh có thể gây ra khô miệng. Những loại thuốc gây khô miệng thường thấy như thuốc điều trị trầm cảm, tiêu chảy, cao huyết áp và hen suyễn. Một số loại thuốc kháng Histamine, lợi tiểu và hóa trị khác cũng làm giảm sản xuất nước bọt.

   + Xạ trị: Tác dụng phụ phổ biến nhất khi xạ trị vùng đầu cổ là khô miệng. Các tia xạ làm tổn thương tuyến nước bọt, gây giảm sản xuất nước bọt.

   + Căng thẳng, lo âu: Khi cơ thể hoặc tinh thần căng thẳng, sẽ tạo ra nhiều cortisol, làm thay đổi thành phần nước bọt, dẫn đến khô miệng.

   + Lão hóa: Người lớn tuổi dễ bị khô miệng. Cơ thể thay đổi do các vấn đề sức khỏe và các loại thuốc uống khiến cho bạn dễ bị khô miệng.

   + Ngủ ngáy và thói quen thở bằng miệng: Thói quen này khiến nước bọt dễ bay hơi, làm cho khoang miệng bị khô.

   + Hút thuốc, uống rượu bia đều có thể làm giảm nước bọt, dẫn đến khô miệng.

2. Các bệnh lý có thể gây ra khô miệng

Có một số bệnh lý hay tình trạng sức khỏe có thể gây ra khô miệng, chẳng hạn như:

   + Bệnh tiểu đường: Khô miệng là một triệu chứng thường thấy khi bị tiểu đường. Khi lượng đường trong máu tăng lên sẽ có khả năng ảnh hưởng đến quá trình sản xuất nước bọt, dẫn đến khô miệng. Người bị tiểu đường thường bị mất nước, kèm theo phải dùng thuốc điều trị có thể gây khô miệng.

   + Tưa miệng là do nhiễm nấm trong miệng. Loại nấm này gây viêm, làm hỏng tuyến nước bọt của người bị nhiễm. Khi tuyến nước bọt không sản xuất đủ nước bọt sẽ làm khô miệng.

   + Các tổn thương thần kinh vùng đầu cổ như chấn thương, nhiễm trùng, phẫu thuật, đột quỵ... có thể ảnh hưởng đến khả năng tiết nước bọt, dẫn đến khô miệng.

   + Các một loại bệnh gọi là bệnh tự miễn. Đây là tình trạng mà hệ miễn dịch bị rối loạn và quay ngược lại tấn công vào chính cơ thể bạn. Một số bệnh tự miễn sẽ tấn công gây viêm tuyến nước bọt, dẫn đến khô miệng.

3. Triệu chứng thường gặp khi bị khô miệng

Khô miệng gây ra cảm giác khó chịu trong miệng. Các triệu chứng phổ biến của khô miệng bao gồm: khó nuốt, khó ăn uống, nóng rát trong miệng, nút nẻ môi, lở miệng, khô lưỡi, khô cổ, hôi miệng...

4. Chăm sóc tại nhà khi bị khô miệng

Thường thì khô miệng chỉ là tình trạng tạm thời và người bệnh có thể tự xử lý được. Bạn có thể ngăn ngừa và giảm các triệu chứng của khô miệng tại nhà bằng các cách sau:

   + Uống nhiều nước suốt cả ngày

   + Thử ngậm đá viên

   + Hạn chế rượu bia, trà, cà phê, thuốc lá

   + Hạn chế gia vị: muối, đường, bột ngọt...

   + Nên dùng máy xông hơi nước tạo độ ẩm trong khi ngủ.

   + Nhai kẹo cao su không đường

Ngoài ra, chăm sóc răng miệng hằng ngày cũng rất quan trọng. Khi răng miệng được chăm sóc tốt, bạn có thể ngăn ngừa sâu răng và viêm nướu – một trong những vấn đề thường gặp khi bị khô miệng. Trong trường hợp khô miệng là một triệu chứng của một bệnh tiềm ẩn nào đó, bạn cần được điều trị đúng chuyên khoa tại bệnh viện. Lúc này, bạn cần đến khám và xin tư vấn từ các chuyên gia để biết rõ thông tin và tình trạng sức khỏe của bản thân, để lựa chọn hướng điều trị.

5. Điều trị khô miệng

Khi khám bệnh, trước tiên bác sĩ sẽ xem xét tất cả những loại thuốc bạn đang dùng sẽ phán đoán liệu có loại thuốc nào gây ra chứng khô miệng hiện tại của bạn hay không. Sau đó, bác sĩ sẽ thay đổi loại thuốc hoặc liều lượng phù hợp, kết hợp với những lời khuyên giúp bạn giảm khô miệng trong quá trình điều trị.

6. Khô miệng và sâu răng

Nước bọt có rất nhiều lợi ích. Nước bọt chứa các protein kháng khuẩn giúp bảo vệ răng khỏi vi khuẩn gây hại và giữ cho răng nướu luôn khỏe mạnh, không bị sâu răng. Khô miệng sẽ tạo điều kiện cho vi khuẩn gây sâu răng sinh sôi và phát triển. Để thực ngăn ngừa bệnh răng miệng do khô miệng, bạn nên thực hiện các biện pháp sau:

   + Thường xuyên tráng miệng bằng nước lọc sau khi ăn để rửa sạch thức ăn thừa, cặn bẩn và vi khuẩn.

   + Nhai kẹo cao su không đường để thúc đẩy tuyến nước bọt hoạt động.

   + Dùng máy tạo độ ẩm trong nhà.

   + Khám răng định kỳ mỗi 6 tháng.

7. Khô miệng đến mức độ nào cần khám bác sĩ?

Khi bị khô miệng, bạn có thể xin tư vấn từ bác sĩ hoặc xem các bài viết hướng dẫn điều trị tại nhà. Nhưng nếu chứng khô miệng phát triển trầm trọng hơn và liên tục hơn, bạn cần đặt một lịch hẹn để được khám và chẩn đoán chính xác tình trạng bệnh. Bạn nên đi khám bệnh khi gặp phải những tình trạng sau:

   + Cảm giác nóng khô trong miệng hoặc cổ họng.

   + Cảm thấy nước bọt đặc quánh lại.

   + Khô lưỡi, lở miệng, khó nhai nuốt.

   + Hôi miệng không cải thiện được ngay cả khi đã vệ sinh răng miệng tốt.

Nếu bạn đang uống thuốc điều trị bệnh lý nào khác, bạn nên mang theo loại thuốc này đến khám bác sĩ để được tư vấn thay đổi liều lượng hoặc loại thuốc. Nếu bạn bị khô miệng dai dẳng, bạn cần phải khám răng nhiều hơn để kiểm tra các dấu hiệu sâu răng.

Như chúng ta điều biết, khô miệng thật ra không hẵn là một vấn đề nghiêm trọng. Nhưng khô miệng có thể là một triệu chứng của những bệnh lý mãn tính khác cần được điều trị. Nếu bạn bị khô miệng, điều quan trọng nhất là phải xác định nguyên nhân. Điều quan trọng tiếp theo là phải chăm sóc răng miệng thật tốt để tránh sâu răng do khô miệng.

← Bài trước Bài sau →
back to top