Khi trẻ dần đến độ tuổi mọc răng vĩnh viễn, răng sữa sẽ rụng dần từng cái một. Toàn bộ quá trình mọc răng vĩnh viễn của cả hàm răng là một khoảng thời gian dài nhiều năm. Vì thế, bố mẹ nên chú ý và xác nhận thời gian mọc răng để giúp trẻ vượt qua những lo lắng thường gặp, cũng như tránh xa những biến chứng tiềm ẩn trong thời kỳ này, để đảm bảo sức khỏe răng miệng cho trẻ.
1. Khi nào răng sữa bắt đầu rụng?
Mỗi một đứa trẻ sẽ có thời gian mọc và rụng răng sữa khác nhau. Trẻ sẽ có tổng cộng là 20 chiếc răng sữa. Khi trẻ được 6 tháng tuổi, chiếc răng sữa đầu tiên có thể bắt đầu mọc. Cho đến năm 3 tuổi, hầu hết trẻ sẽ có đủ 20 răng sữa. Và bắt đầu tiến vào thời gian mọc răng vĩnh viễn. Từ 6 tuổi, trẻ sẽ bắt đầu rụng răng sữa và mọc chiếc răng vĩnh viễn đầu tiên. Cho đến năm 12 tuổi, hầu hết trẻ sẽ hoàn tất quá trình mọc răng vĩnh viễn. Khi đến tuổi thiếu niên, nếu răng khôn mọc bình thường thì trẻ sẽ có đủ 32 chiếc răng vĩnh viễn.
2. Tại sao con người có hai bộ răng?
Chúng ta vẫn thường thắc mắc tại sao, con người có một bộ răng sữa rồi lại rụng đi và mọc lại một bộ răng vĩnh viễn khác. Những chiếc răng sữa đó xuất hiện nhằm tạo ra khoảng trống trong hàm, giữa chỗ cho những chiếc răng vĩnh viễn trong tương lai. Đối với hầu hết trẻ em, răng sữa sẽ bắt đầu rụng vào khoảng 6 tuổi. Khi răng vĩnh viễn bắt đầu mọc, chân răng sữa sẽ tự tiêu dần cho đến khi tiêu biến hoàn toàn. Chiếc răng lỏng lẻo này sẽ chỉ được cố định bởi mô mềm xung quanh, sau đó, nếu không có lực tác động, răng sẽ tự rớt ra.
3. Thứ tự mọc răng vĩnh viễn
a. Răng cửa giữa
Hầu hết trẻ em sẽ rụng răng sữa theo thứ tự mọc của chúng. Răng cửa giữa hàm dưới là chiếc răng đầu tiên mọc lúc khoảng 6 tháng tuổi, thì nó cũng sẽ là chiếc răng đầu tiên lung lay vào khoảng 6-7 tuổi. Sau răng cửa dưới, sẽ là răng cửa trên. Khi mới rụng răng sữa, trẻ sẽ cảm thấy hơi đau và khó chịu vì cảm giác mất răng. Vì thế sau khi nhổ răng hoặc răng bị rụng, bạn nên cho trẻ súc miệng bằng nước muối để làm sạch vùng nướu. Bạn có thể dùng một ít gạc ẩm để che vùng ổ răng, hướng dẫn trẻ không khạc nhổ vì có thể làm chảy máu nhiều hơn.
b. Răng cửa bên
Sau khi răng cửa giữa rụng, chiếc răng sữa tiếp theo bị rụng sẽ là răng cửa bên. Các răng cửa bên ở cả hai hàm sẽ được thay thế trong khoảng 7-8 tuổi. Tại thời điểm này, trẻ đã lớn hơn, có thể quen thuộc với trải nghiệm mất răng, trẻ sẽ không còn cảm thấy sợ hãi.
c. Răng hàm thứ nhất
So với việc mọc răng khi trẻ còn rất nhỏ, thì việc trẻ rụng răng lại là một quá trình trải nghiệm dễ dàng hơn đối với bậc cha mẹ. Mặc dù không thoải mái gì, nhưng quá trình rụng răng sữa và mọc răng vĩnh viễn diễn ra khi trẻ đã nhận thức được nhiều hơn, có thể mô tả cảm giác của mình cho cha mẹ. Việc mọc răng hàm sữa thường khiến trẻ đau, nóng sốt nhưng khi rụng răng hàm sữa và mọc răng hàm vĩnh viễn, hầu như trẻ sẽ không chịu đau đớn gì. Những chiếc răng hàm này thường được thay vào khoảng 9-11 tuổi.
d. Răng hàm thứ hai và răng nanh
Đây là những chiếc răng mọc gần cuối thời kỳ thay răng. Răng nanh thường được thay khi trẻ ở khoảng 9-12 tuổi, trong khi răng hàm thứ hai sẽ được thay thế bởi răng vĩnh viễn trong khoảng thời gian từ 10-12 tuổi. Thông thường, khi trẻ đủ 13 tuổi, trẻ sẽ có đủ 28 chiếc răng vĩnh viễn.
e. Răng khôn: răng hàm thứ ba
Không phải ai cũng mọc răng khôn. Khi trẻ bước vào tuổi thiếu niên, răng khôn có thể sẽ hình thành và mọc lên. Có thể nói trong suốt quá trình mọc răng, răng khôn là những chiếc răng được nhắc đến nhiều nhất. Răng khôn đặc biệt không phải vì chúng mọc sau cùng mà là vì khi răng khôn mọc, có thể gây ra nhiều vấn đề sức khỏe răng miệng. Răng khôn mọc bình thường là một điều may mắn, bởi những chiếc răng khôn mọc ngầm hay mọc lệch thì thường thấy hơn. Hậu quả của những chiếc răng khôn mọc lệch này sẽ khiến cho răng kế bên bị ảnh hưởng, đau nhức răng, viêm nướu và nhiều vấn đề khác liên quan. Chính vì vậy, nhiều người muốn nhổ răng khôn trước khi nó gây chuyện.
4. Nếu trẻ không thay răng theo đúng mốc thời gian này thì sao?
Các mốc thời gian được nói bên trên là những hướng dẫn chung. Hầu hết trẻ em sẽ mọc theo mốc thời gian này nhưng không phải ai cũng chính xác theo đúng từng thời điểm. Nếu trẻ mọc răng sữa chậm hơn khi còn nhỏ thì có thể trẻ sẽ thay răng trễ hơn. Tuy nhiên, nếu thời điểm thay răng quá chậm so với mốc chung, bạn nên cho trẻ đi khám bác sĩ để xác định vấn đề.