7 nguyên nhân thường gặp dẫn đến đau răng

7 nguyên nhân thường gặp dẫn đến đau răng

Không có gì khó chịu hơn đau răng và khi cơn đau liên tục xảy ra bạn có khả năng phải đến nha sĩ xin thuốc giảm đau, điều trị tủy răng hay thực hiện các thủ thuật y tế tại chỗ để khắc phục cơn đau. Điều quan trọng bạn cần hiểu là lý do tại sao răng lại đau? Các bác sĩ nha khoa cho biết rằng: đau răng có thể do vô số nguyên nhân chứ không chỉ do tình trạng sâu răng bình thường. Để giúp bạn xác định được mấu chốt vấn đề và tránh phải trải qua những cơn đau không đáng, chúng tôi đã liệt kê dưới đây những lý do mà bạn có thể mắc phải và gây ra những con đau khó chịu trong miệng.

1. Chải răng quá mạnh gây ra tình trạng tụt nướu

Chúng tôi hiểu rằng bạn muốn răng được sạch sẽ nhưng chải răng quá mạnh sẽ dẫn đến nhiều vấn đề nghiêm trọng, nhất là sẽ làm đau răng, tụt nướu. Việc chải răng quá mạnh có thể gây mòn cấu trúc thực tế của răng, làm tụt nướu, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến mô nha chu hỗ trợ cho chân răng. Bạn cũng có thể để ý thấy tình trạng răng trở nên rất nhạy cảm khi ăn và uống những đồ uống lạnh là do tình trạng hở chân răng. Mặc dù không thể thay đổi được những ảnh hưởng do việc đánh răng quá mạnh gây ra, nhưng bạn có thể đến phòng nha để chữa trị những vùng răng bị mòn. Nếu nướu bị tổn thương nặng, nha sĩ phải chỉ định thực hiện ghép nướu. Cách tốt nhất để tránh tình trạng này là trang bị bàn chải răng chất lượng tốt, lông siêu mềm để giảm áp lực.

2. Bị viêm nướu

Bạn không phải là người duy nhất mắc phải bệnh về nướu. Thực tế, theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC), gần một nửa dân số trên thế giới trong độ tuổi từ 30 trở lên đều gặp phải tình trạng viêm nha chu các cấp độ từ mức nhẹ, trung bình đến nghiêm trọng. Nhưng ngay cả khi bạn may mắn không mắc phải thì bạn vẫn có thể mắc phải tình trạng viêm nướu nhẹ. Điều này xảy ra khi vi khuẩn xâm nhập vào răng hoặc các khu vực của nướu và nhân lên đến mức mà con người không thể chống với chúng. Tình trạng này có thể gây đau hoặc sưng, tạo ra một vết sâu nhỏ trên răng hoặc ở một khu vực nào đó trên các mô mềm, gây mưng mủ hoặc làm hôi miệng. Ngay khi để ý thấy bất kỳ dấu hiệu nào, tốt nhất bạn cần đến phòng khám để kiểm tra và điều trị. Viêm nướu có thể dẫn đến tình trạng áp-xe răng, là nguyên nhân gây ra đau răng. Nha sĩ sẽ điều trị bằng cách vệ sinh vùng nướu quanh răng và kê thuốc kháng sinh, nước súc miệng ngừa viêm nướu cho bạn.

3. Chấn thương vùng răng miệng

Hầu hết những chấn thương ở răng có thể là kết quả của tai nạn xảy ra nhiều năm trước. Đó có thể do bị ngã hoặc va đập vào răng hoặc bị tai nạn xe làm tác động vào vùng miệng hoặc hàm hoặc thậm chí do nhai một số loại thực phẩm cứng dẫn tới chấn thương. Cùng với tình trạng chấn thương hoặc gãy răng, những cơn đau hoặc tình trạng răng sẽ trở nên nhạy cảm hơn khi nhai, khiến răng bị cong lại và gây kích ứng những tế bào thần kinh trên răng. Nếu bệnh nhân bị ngã và va đập làm ảnh hưởng tới răng, nha sĩ sẽ phải theo dõi răng với các hoạt động hàng ngày và thông qua chụp X-quang để chắc chắn không có nhiễm trùng và các dây thần kinh trên răng không bị tê liệt. Nếu nguyên nhân là do chấn thương thì sẽ có những dấu hiệu như đổi màu răng và răng nhạy cảm với nhiệt độ. Điều trị tủy răng (root canal) và bọc răng sứ (crown) là phương pháp phổ biến thường được chỉ định dành cho răng chết tủy và nếu răng đó cần loại bỏ thì cần cấy cầu răng hoặc đeo răng giả một phần.

4. Viêm xoang nặng

Suốt quá trình bị dị ứng trong các mùa cảm cúm, tình trạng viêm xoang có thể tăng cao hơn bình thường. Tủy của một số răng ở ngay bên dưới ống xoang, do vậy mà áp lực từ viêm xoang cũng gây đau răng. Thay vì điều trị nha khoa, bệnh nhân cần sử dụng một số loại thuốc như kháng sinh và điều trị viêm xoang. Tuy nhiên, bệnh nhân cần phải đi khám để xác định rõ có phải tình trạng đau răng là do viêm xoang hay không.

5. Nghiến răng khi ngủ

Nhiều người đã từng nói với bạn về thói quen nghiến răng khi ngủ và thậm chí nó còn gây ra nhiều phiền toái cho người ngủ chung với bạn. Trong một số trường hợp, tình trạng nghiến răng liên tục có thể làm răng bị nứt hoặc lỏng lẻo. Vì thế điều quan trọng là cần đến nha sĩ đánh giá tình trạng răng để kiểm tra xem các răng có còn phối hợp được với nhau hay không. Và sự không cân bằng khi các răng thực hiện hoạt động cắn là nguyên nhân gây đau răng và đau cơ. Có nhiều cách để xử lý, một trong số đó là sử dụng thiết bị đeo hàm vào ban đêm, sẽ tránh được lực tác động lên răng.

6. Bạn vừa thực hiện thủ thuật hàn/khoan răng

Nếu bạn rơi vào tình huống này, bạn sẽ để ý thấy tình trạng răng trở nên đặc biệt nhạy cảm khi cắn vào một số khu vực nhất định. Khi khoan, răng bạn có thể trở nên nhạy cảm với nhiệt độ lạnh trong một vài tuần. Điều này hoàn toàn bình thường, nhưng nếu răng đặc biệt nhạy cảm khi cắn những vật cứng cho thấy răng bạn cần phải được điều chỉnh để nhai bình thường. Bởi vì bạn sẽ để ý thấy tình trạng này sau khi đến nha sĩ nên bạn sẽ phải đặt lịch cuộc hẹn tiếp theo để nha sĩ có thể kiểm tra hoạt động cắn và có những điều chỉnh nhỏ giúp giảm đau. Nếu cần thiết, nha sĩ sẽ điều chỉnh hoạt động cắn và nếu răng bạn gặp vấn đề nhạy cảm với nhiệt độ thì nha sĩ có thể bôi gel đánh răng có chứa Fluoride hoặc kem có tác dụng làm giảm ê buốt lên vùng nhạy cảm.

7. Răng bạn bị vỡ

Có nhiều nguyên nhân khiến răng bạn bị vỡ, có thể do cắn vào những thứ cứng khiến răng bị nứt hoặc do những tổn thương từ bên ngoài răng như là ngã hoặc bị tai nạn hoặc thậm chí do nghiến răng. Nếu có vết nứt trên răng, bạn có thể cảm thấy đau khi cắn, nhai hoặc thậm chí khi uống những đồ uống nóng hoặc lạnh. Nếu vết nứt xảy ra ở mặt trước răng thì bạn có thể thấy rõ những ảnh hưởng này. Nhưng nếu đó là ở mặt sau răng thì có thể khó để nhận thấy hơn. Cần đi khám răng ngay để nha sĩ có thể kiểm tra và giúp xử lý những vùng cần điều trị trước khi tình trạng vết nứt trở nên tồi tệ hơn. Nếu do tình trạng hàm không khớp và do nghiến răng thì nha sĩ sẽ khuyến nghị bạn đeo thiết bị bảo vệ răng ban đêm để tránh những tổn thương có thể xảy ra.

Điều quan trọng cần lưu ý là tình trạng đau răng có thể do những nguyên nhân đơn giản, dễ xử lý hoặc cũng có thể là nguyên nhân phức tạp, vì thế tốt nhất là bạn cần tham khảo ý kiến tư vấn của nha sĩ. Nếu không được điều trị, những cơn đau và viêm răng có thể gây ảnh hưởng đến sức khỏe hoặc lây lan ra các bộ phận khác, khiến cho tình trạng viêm nhiễm nặng hơn. Vì vậy cần thực hiện các cuộc gặp với nha sĩ định kỳ 6 tháng một lần (hoặc thường xuyên hơn nếu nha sĩ khuyến nghị) để tránh những tình trạng nghiêm trọng hơn. Cần có cuộc trao đổi chân thành, cởi mở với nha sĩ để có thể xây dựng được quy trình chăm sóc sức khỏe răng miệng và tránh những cơn đau kéo dài.

(nguồn : womanshealth.com)

← Bài trước Bài sau →
back to top