Nhiễm trùng răng thật sự rất nguy hiểm. Nó khởi đầu bởi một cơn đau răng, dần dần nhức nhối hơn, lan rộng hơn nếu không được điều trị kịp thời. Nếu thời gian bị nhiễm trùng răng càng lâu mà vẫn chưa được điều trị thì có thể lây lan sang những nơi khác trong cơ thể, gây ra các biến chứng nguy hiểm. Bài viết này liệt kê các vấn đề xảy ra với nhiễm trùng răng và biến chứng nguy hiểm của nó.
1. Triệu chứng nhiễm trùng răng
Khi bị nhiễm trùng răng, bạn có thể gặp phải những triệu chứng sau đây:
+ Răng ảnh hưởng bị đau nhói.
+ Xương hàm, tai hoặc cổ ở vùng răng bị ảnh hưởng sẽ đau nhói, khó chịu.
+ Khi bạn nằm xuống, cơn đau răng có xu hướng đau hơn.
+ Cảm giác chèn ép, khó chịu trong miệng.
+ Nhạy cảm với thức ăn và đồ uống nóng hoặc lạnh
+ Sưng má bên vùng răng bị ảnh hưởng
+ Xuất hiện hạch mềm hoặc sưng ở cổ
+ Nóng sốt
+ Hôi miệng/ có vị khó chịu trong miệng
2. Biến chứng khi bị nhiễm trùng răng
Khi răng bị nhiễm trùng mà không được điều trị kịp thời, bệnh có thể lây lan sang các bộ phận khác trong cơ thể, gây ra các biến chứng đe dọa đến sức khỏe, thậm chí đến tính mạng. Các dấu hiệu và biến chứng của nhiễm trùng răng mà bạn cần lưu ý như sau:
+ Cảm thấy không khỏe như nhức đầu, chóng mặt, mệt mỏi, uể oải.
+ Xuất hiện triệu chứng nóng sốt, da đỏ bừng, ớn lạnh, đổ mồ hôi
+ Xuất hiện triệu chứng sưng mặt, khó mở miệng hoàn toàn, khó nuốt, khó thở.
+ Bạn bị mất nước, giảm tần suất đi vệ sinh, màu nước tiểu sẫm.
+ Nhịp tim tăng lên nhanh, cảm giác lâng lâng.
+ Nhịp thở tăng, thở gấp.
+ Đau dạ dày, tiêu chảy, nôn.
3. Khi nào cần đến bệnh viện?
Nếu bạn hoặc người thân, đặc biệt là trẻ em bị sốt cao do nhiễm trùng răng, hãy liên hệ ngay đến các trung tâm y tế và bệnh viện gần nhất. Người bệnh cần được cấp cứu nếu sốt kèm theo các triệu chứng như đau ngực, khó thở, rối loạn tâm thần, nhạy cảm với ánh sáng, co giật, phát ban không rõ nguyên nhân, nôn liên tục và đau khi đi vệ sinh.
4. Răng bị nhiễm trùng như thế nào?
Răng bị nhiễm trùng khi vi khuẩn xâm nhập vào răng thông qua vết nứt hoặc lỗ sâu trên răng. Răng sẽ dễ nhiễm trùng hơn nếu bạn có những yếu tố sau đây:
+ Vệ sinh răng miệng kém, không chải răng và không dùng chỉ nha khoa thường xuyên.
+ Ăn uống thực phẩm nhiều đường như ăn nhiều đồ ngọt và uống nước ngọt.
+ Khô miệng, thường do lão hóa hoặc do tác dụng phụ của một số loại thuốc/
5. Cần gặp nha sĩ khi nào?
Thật ra, không phải lúc nào đau răng cũng là một mối lo ngại nghiêm trọng đến sức khỏe. Nhưng nếu bạn đã bị đau răng, thì bạn vẫn nên đặt lịch hẹn để được khám và điều trị kịp thời. Nếu bạn đau răng kéo dài và kèm theo những triệu chứng khác như sốt, sưng tấy, khó thở, khó nuốt, nướu sưng đỏ, đau buốt khi nhai cắn... bạn nên liên hệ ngay với nha sĩ.