Mỗi ngày soi gương chải răng bạn đều nhận thấy nướu có màu hồng khỏe mạnh. Nhưng khi sức khỏe răng miệng có một số vấn đề sẽ khiến cho nướu xuất hiện các đốm đen. Hầu hết các dấu hiệu xuất hiện đốm đen trên nướu đều không gây hại quá nhiều nhưng để chắc chắn, bạn cần đến khám tại các phòng nha sẽ xác định vấn đề của mình. Khi nướu xuất hiện đốm đen, bạn cần tìm hiểu nguyên nhân phổ biến gây ra vấn đề. Điều này có thể giúp bạn đưa ra quyết định xem mình có cần điều trị ngay hay không.
1. Vết bầm tím
Nướu có thể bị tổn thương như bất kỳ bộ phận nào trên cơ thể. Khi bị ngã, khi ăn thứ gì đó cứng, hoặc thậm chí là chải răng với lực mạnh, đều có thể khiến nướu bị tổn thương mà để lại vết bầm tím. Vết bầm trên nướu thường có màu đỏ sẫm hoặc tím, cũng có thể màu nâu hoặc đen. Bên cạnh đó, bạn có thể bị chảy máu và đau bên ngoài vết bầm. Thông thường, các dạng bầm tím như này có thể tự lành mà không cần điều trị y tế. Nhưng một khi nướu bạn xuất hiện nhiều vết bầm tím hơn mà không biết rõ nguyên nhân thì có thể bạn bị giảm tiểu cầu, khiến máu khó đông. Các triệu chứng giảm tiểu cầu bao gồm chảy máy cam, chảy máu chân răng. Khi có những dấu hiệu này, bạn cần đến khám tại các phòng khám chuyên khoa để được tư vấn điều trị.
2. Tụ máu
Khi sắp mọc răng, áp lực có thể tạo thành một nang chứa đầy chất dịch trên nướu. Đôi khi có máu trộn lẫn trong chất dịch làm cho nó có màu tím đậm hoặc đen. Những u nang có trộn lẫn máu trong dịch chất thường gọi là tụ máu. Điều này cũng có thể xảy ra khi u nang bị tổn thương do va chạm hoặc té ngã. Tụ máu do mọc răng rất phổ biến ở trẻ em khi cả răng sữa và răng vĩnh viễn đều mọc. Chúng thường tự biến mất sau khi răng mọc. Nếu răng không tự mọc, bác sĩ có thể phẫu thuật mở u nang để cho răng đi qua.
3. Vết đen hỗn hống
Nếu bạn vừa đi trám răng sâu, một lượng hỗn hống có thể đọng lại trên nướu tạo ra một vết đen. Amalgam là hạt được sử dụng để trám răng. Đôi khi những hạt này đọng lại ở khu vực xung quanh miếng trám gây ra vết ố trong mô mềm. Loại vết đen này không thể xóa được, nhưng chúng vô hại và không cần điều trị. Để ngăn chặn chúng, bạn có thể yêu cầu nha sĩ sử dụng miếng chắn cao su trong lần trám răng tiếp theo. Điều này ngăn cách răng của bạn khỏi nướu trong quá trình làm thủ thuật nha khoa, ngăn các hạt xâm nhập vào mô xung quanh.
4. Bớt xanh trên nướu
Đây là một vết bớt vô hại có hình tròn. Nó có thể phẳng hoặc hơi nhô lên, có thể có màu xanh hoặc xanh đen, trong giống như tàn nhang trên nướu. Không ai biết chắc chắn nguyên nhân gây ra những vết bớt xanh này, nhưng chúng thường phát triển khi bạn còn nhỏ hoặc thiếu niên. Chúng cũng phổ biến hơn ở phụ nữ. Tình trạng này thường không cần điều trị. Tuy nhiên, nếu hình dạng, màu sắc hoặc kích thước của nốt ruồi bắt đầu thay đổi, bác sĩ có thể làm sinh thiết, bao gồm việc lấy một mảnh nốt ruồi để kiểm tra ung thư.
5. Đốm hắc tố
Các đốm hắc tố là những đốm vô hại trông giống như tàn nhang. Chúng có thể xuất hiện trên các bộ phận khác nhau trên cơ thể bạn, bao gồm cả nướu của bạn. Các đốm hắc tố thường có đường kính từ 1 đến 8 mm và không gây ra bất kỳ triệu chứng nào khác. Chưa ai chắc chắn về nguyên nhân của các mảng hắc tố vì có một số người bẩm sinh đã xuất hiện, một số khác thì xuất hiện sau này trong cuộc sống. Đốm hắc tố cũng có thể là triệu chứng của các tình trạng khác như bệnh Addison hoặc hội chứng Peutz-Jeghers. Các đốm hắc tố không cần điều trị. Nhưng nếu hình dạng, màu sắc hoặc kích thước của nó bắt đầu thay đổi bác sĩ có thể làm sinh thiết để kiểm tra xem có bị ung thư hay không.
6. Ung thư miệng
Ung thư miệng cũng có thể gây đen nướu răng. Các triệu chứng khác liên quan đến ung thư miệng bao gồm vết loét hở, chảy máu bất thường và sưng tấy trong miệng. Bạn cũng có thể bị đau họng mãn tính hoặc nhận thấy sự thay đổi trong giọng nói của mình. Để xác định xem một đốm có phải do ung thư hay không, bác sĩ sẽ làm sinh thiết. Họ cũng có thể sử dụng các kỹ thuật hình ảnh khác nhau, chẳng hạn như chụp CT hoặc chụp PET, để xem ung thư đã lan rộng chưa. Nếu đó là ung thư, bác sĩ có thể phẫu thuật cắt bỏ nó nếu nó không lan rộng. Nếu nó đã lan rộng, xạ trị hoặc hóa trị có thể giúp tiêu diệt tế bào ung thư. Uống nhiều rượu và sử dụng thuốc lá là những yếu tố nguy cơ lớn nhất gây ung thư miệng.
Những đốm đen trên nướu răng của bạn thường vô hại, nhưng đôi khi chúng có thể là dấu hiệu của các vấn đề về sức khỏe nghiêm trọng. Nếu bạn nhận thấy một vài điểm bất thường trên nướu của mình, hãy nói với bác sĩ về tình trạng này để được theo dõi. Ngay cả khi đốm không phải là ung thư, nó vẫn nên được theo dõi để phát hiện bất kỳ thay đổi nào về hình dạng, kích thước hoặc màu sắc.