Theo Viện Ung thư Quốc gia (Hoa Kỳ), có đến khoảng một phần ba người trưởng thành bị bỏng nắng mỗi năm. Nếu bạn có làn da nhợt nhạt hoặc tiếp xúc nhiều với ánh nắng mặt trời, bạn sẽ có nguy cơ bị bỏng cao. Nhìn chung, bỏng nắng sẽ mất nhiều thời gian để chữa lành hơn. Các yếu tố khác xác định mức độ nhanh lành của bạn bao gồm bạn kiểm soát cháy nắng tốt như thế nào và liệu bạn có mắc một tình trạng làm chậm quá trình lành vết thương, chẳng hạn như bệnh tiểu đường hoặc bệnh động mạch.
Không có phương pháp chữa trị kỳ diệu nào cho vết cháy nắng, nhưng có một số cách bạn có thể hỗ trợ quá trình chữa lành tự nhiên của cơ thể. Hãy cùng xem những cách hiệu quả nhất để chữa cháy nắng nhanh hơn.
Các yếu tố giúp chữa lành vết cháy nắng nhanh chóng
Cháy nắng là do tiếp xúc quá nhiều với tia cực tím (UV). Những người với làn da sẫm màu sẽ ít bị cháy nắng hơn những người có làn da sáng màu. Ở những người này, sắc tố melanin được sản xuất nhiều hơn giúp bảo vệ da khỏi tác hại của tia UV.
Khi bị cháy nắng nhiều, cơ thể bạn sẽ mất khá nhiều thời gian để tái tạo lớp da bị tổn thương, có thể lên đến vài tuần. Còn thường thì các triệu chứng cháy nắng nhẹ chỉ cần 3-5 ngày là thuyên giảm. Thời gian phục hồi còn được quyết định bởi các yếu tố khác như: di truyền, tuổi tác, sức khỏe... Một số vấn đề sức khỏe có thể làm suy giảm khả năng phục hồi sau cháy nắng:
+ Tiểu đường
+ Nghiện thuốc lá
+ Suy dinh dưỡng
+ Béo phì
+ Căng thẳng mãn tính
+ Bệnh lý động mạch
+ Tuần hoàn máu kém
Làm cách nào để chữa lành cháy nắng nhanh hơn
Để điều trị cháy nắng, bạn cần có thời gian để cơ thể tự thay thế lớp da bị tổn thương. Tuy nhiên, bạn có thể đẩy nhanh quá trình phục hồi này bằng cách nghỉ ngơi nhiều, giữ đủ nước và dưỡng ẩm cho da.
+ Ngủ nhiều: ngủ ít làm cho cơ thể gián đoạn việc sản xuất cytokines giúp kiểm soát chứng viêm, ảnh hưởng tiêu cực đến khả năng tự chữa lành của cơ thể.
+ Không hút thuốc: hút thuốc sẽ làm suy giảm khả năng phục hồi tự nhiên của cơ thể, thúc đẩy tình trạng viêm.
+ Tránh tiếp xúc với ánh nắng: điều này là cần thiết để tránh cho da bạn bị tổn thương thêm. Nếu phải ra ngoài, bạn hãy bận quần áo chống nắng và thoa kem chống nắng.
+ Đắp nha đam: nha đam có chứa aloin có tác dụng giảm viêm. Ngoài ra, nha đam còn có tác dụng dưỡng ẩm cho da và ngăn ngừa bong tróc da.
+ Tắm nước mát: việc tắm bằng nước mát là để làm dịu da, sau đó bạn nên thoa lên da một lớp kem dưỡng ẩm để giữ nước.
+ Bôi kem hydrocortisone để điều trị sưng tấy, kích ứng và ngứa. Bạn nên thoa kem hydrocortisone lên vết bỏng nặng để giảm sưng và đau.
+ Giữ đủ nước: các vết cháy nắng hút ẩm khỏi da của bạn. Uống nhiều nước và chất điện giải có thể giúp bù nước cho da của bạn.
+ Chườm lạnh lên da ngay sau khi bị cháy nắng có thể giúp loại bỏ nhiệt dư thừa trên da và giảm viêm.
+ Tắm bằng bột yến mạch có thể giúp làm dịu da và giảm kích ứng. Bạn có thể tắm bằng bột yến mạch bằng cách trộn một vài thìa baking soda và khoảng một chén yến mạch vào bồn nước mát.
Hầu hết các vết bỏng do cháy nắng phải mất ít nhất 3 ngày để chữa lành hoàn toàn. Tất cả các phương pháp điều trị đều dựa trên việc hỗ trợ quá trình chữa bệnh tự nhiên của cơ thể.
Khi nào cần đi khám khi bị cháy nắng?
Nếu bạn bị cháy nắng nhẹ, vết bỏng hoàn toàn có thể tự lành mà không cần sự hỗ trợ y tế. Tuy nhiên, khi vết bỏng trở nên nghiêm trọng, bạn cần đi khám và điều trị:
+ Vết bỏng bị phồng rộp hoặc sưng tấy
+ Phát sốt hoặc cảm thấy quá nóng
+ Cảm thấy chóng mặt, ốm, mệt mỏi
+ Đau đầu
+ Trẻ em bị cháy nắng
Phòng ngừa cháy nắng
Cách chắc chắn duy nhất để chữa lành vết bỏng nhanh chóng là tránh bị cháy nắng ngay từ đầu. Sau đây là một vài cách giúp bạn tránh bị cháy nắng:
+ Luôn tìm cho mình một bóng râm nếu phải hoạt động dưới trời nắng.
+ Tránh thời điểm nắng nhất trong ngày. Tia UV mạnh nhất vào cuối buổi sáng và đầu giờ chiều, từ 10 giờ sáng đến 4 giờ chiều.
+ Đội mũ rộng vành có thể bảo vệ mặt, tai và cổ khỏi ánh nắng mặt trời.
+ Kính râm bảo vệ mắt và vùng da quanh mắt khỏi tia UV.
+ CDC khuyến nghị sử dụng kem chống nắng với ít nhất là SPF 15 ngay cả trong những ngày nhiều mây. Bôi lại ít nhất 2 giờ một lần và kiểm tra ngày hết hạn trước khi sử dụng.
Bỏng nắng là do tiếp xúc quá nhiều với tia UV. Không có cách chữa trị thần kỳ nào để chữa lành vết cháy nắng, nhưng bạn có thể tối ưu hóa quá trình chữa lành của cơ thể bằng cách nghỉ ngơi nhiều, đủ nước và thoa lô hội hoặc các loại kem dưỡng ẩm khác cho da. Nếu bạn bị cháy nắng nặng, phồng rộp hoặc khiến bạn cảm thấy ốm, bạn nên đến gặp bác sĩ để xem liệu bạn có cần điều trị y tế bổ sung hay không.