Làm sao để đối phó với răng bị nứt

Làm sao để đối phó với răng bị nứt

Có nhiều nguyên nhân khiến cho răng bị nứt nhiều hơn bạn nghĩ. Có thể là do bạn nhai một số loại thức ăn cứng, cũng có thể do bạn có tật nghiến răng vào ban đêm. Ngoài ra, một điều chắc chắn là khi bạn càng lớn tuổi, răng càng yếu đi thì khả năng bị nứt răng do tác động bên ngoài càng nhiều. Nứt răng thật ra là một tình trạng phổ biến ở mọi người. Có những người có những vết nứt li ti trên men răng và có thể tái khoáng trở lại nhờ vào kem đánh răng chứa Fluoride hoặc khẩu phần hằng ngày chứa Calci, thế nên gần như họ sẽ không nhận thức được mình từng bị nứt răng. Trong bài viết này, Ecare Store sẽ mang đến cho bạn những kiến thức để đối phó với răng bị nứt, dù là những vết nứt nhỏ cho đến những vết nứt có thể trông thấy được trên bề mặt răng.

1. Nguyên nhân khiến cho răng bị nứt

Răng bị nứt có thể vì nhiều nguyên nhân khác nhau. Chẳng hạn như các nguyên nhân chủ yếu sau đây:
   - Áp lực của tật nghiến răng tác động lên men răng
   - Miếng trám quá lớn tạo ra áp lực làm yếu răng.
   - Nhai hoặc cắn những loại thực phẩm có độ cứng cao, chẳng hạn như đá, các loại hạt, hoặc các loại kẹo cứng.
   - Bị tác động vật lý lên vùng miệng, chẳng hạn như tai nạn giao thông, chấn thương trong thể thao, té ngã hoặc ẩu đả.
   - Thường xuyên khiến cho nhiệt độ trong miệng thay đổi đột ngột từ nóng sang lạnh và ngược lại, chẳng hạn như ăn uống một loại thực phẩm rất nóng, ngay sau đó uống nước thật lạnh.
   - Tuổi tác càng cao, càng dễ bị nứt răng: hầu hết những người từ 50 tuổi trở lên đều xuất hiện vết nứt trên răng.

Người lớn tuổi bị nứt răng
Người lớn tuổi thường dễ bị nứt răng. (Nguồn ảnh: Internet)

2. Các dạng nứt răng thường gặp

Tùy theo biểu hiện và các triệu chứng cũng như nguyên nhân xuất hiện mà nứt răng được chia thành nhiều dạng:
   - Vết nứt li ti là dạng vết nứt cực nhỏ trên men răng, không gây đau đớn, không cần bất kỳ biện pháp điều trị cụ thể nào.
   - Dạng nứt gãy vùng chóp răng quanh miếng trám. Dạng nứt răng này không gây ảnh hưởng đến tủy nên không gây đau nhiều.
   - Dạng nứt răng kéo dài đến gần viền nướu. Dạng nứt này miễn là không kéo dài qua bên dưới nướu răng thì có thể cứu chữa được. Nếu chiếc răng có vết nứt quá lớn, kéo dài qua khỏi đường viền nướu, thì cần phải nhổ đi. 
   - Vết nứt chẻ răng là dạng nứt từ bề mặt răng kéo dài đến dưới đường viền nướu, có khi khiến răng bị tách làm hai khúc. Một vết nứt rộng thì rất khó cứu chữa, nếu có thể thì nha sĩ thường cố gắng cứu phần lớn nhất còn lại của răng.
   - Nứt gãy dọc chân răng là dạng nứt xuất phát từ phía dưới đường viền nướu đi ngược lên trên. Dạng nứt này gây nhiều vấn đề cho răng chẳng hạn như nhiễm trùng, đau nhứt, áp-xe... Những chiếc răng bị nứt dạng này thường phần nhiều sẽ bị nhổ bỏ vì không thể chữa được.

3. Triệu chứng khi bị nứt răng

Vì có nhiều dạng nứt răng khác nhau từ nhẹ cho tới nặng, cho nên không phải dạng nứt răng nào cũng có triệu chứng như nhau, thậm chí những dạng nứt răng nhẹ thường không có bất kỳ triệu chứng nào. Nhưng một khi nứt răng để lại triệu chứng thì thường sẽ bao gồm các vấn đề sau đây:
   - Đau nhức khi nhai thức ăn.
   - Nhạy cảm, ê buốt với nhiệt độ nóng/lạnh và với đồ ngọt
   - Đau nhức răng rời rạc, đến và đi nhanh chóng, không liên tục.
   - Sưng tấy vùng nướu có răng bị nứt.

đau nhứt răng
Đau nhứt răng khi nhai là một triệu chứng của nứt răng. (Nguồn ảnh: internet)

4. Chẩn đoán nứt răng

Đối với những vết nứt răng nhỏ, thậm chí cả chụp X-quang cũng không thể xác định được vết nứt trên răng và không phải ai cũng có những triệu chứng điển hình khi bị nứt răng. Vì thế, để chẩn đoán nứt răng, bác sĩ sẽ thực hiện những biện pháp sau:
   - Thăm hỏi tình trạng ăn uống gần đây của bạn, bạn có tật nghiến răng hay không.
   - Kiểm tra trực quan trên răng xem liệu có vết nứt lớn có thể trông thấy không.
   - Dùng dụng cụ thăm dò trên răng để cảm nhận có vết nứt hay không.
   - Dùng thuốc nhuộm nha khoa để có thể làm nổi bật vết nứt, nếu có.
   - Kiểm tra nướu xem có bị sưng viêm hay không. Đặc biệt hữu ích khi xác định các vết nứt dọc, gây kích ứng nướu.
   - Chụp X-quang răng để phát hiện tình trạng tủy có kém hay không để xác định vết nứt.
   - Cho bạn cắn một vật mẫu, nếu bị nứt răng, bạn sẽ cảm thấy đau khi nhả ra.

5. Điều trị khi bị nứt răng

Nứt răng có nhiều dạng khác nhau từ nhẹ đến nặng, vì thế việc điều trị ở từng dạng khác nhau cũng sẽ khác nhau. Tùy theo vấn đề khác nhau của mỗi người mà bác sĩ sẽ khuyến nghị bạn nên điều trị bằng một trong những phương pháp sau:

   a. Dán răng
Đây là một quy trình điều trị bằng cách sử dụng một loại nhựa dẻo nha khoa để lấp dầy vết nứt, phục hồi hình dáng và chức năng của răng.
   b. Mão răng
Gắn mão răng là một biện pháp phục hình với răng bằng sứ. Nó thể thay thế chiếc răng bị hỏng hoặc bao bọc để bảo vệ răng thật bên trong. Để lắp mão răng, bác sĩ sẽ mài một ít men răng để nhường chỗ cho mão răng. Sau khi lấy dấu răng và chọn màu răng phù hợp, bác sĩ sẽ gửi đến phòng lab để chế tạo mão răng. Sau vài tuần, bác sĩ sẽ lắp mão răng để che đi răng nứt của bạn. Nếu được chăm sóc đúng cách, mão răng có thể tồn tại suốt đời.
   c. Lấy tủy
Khi vét nứt quá rộng và sâu vào tủy răng, nguy cơ nhiễm trùng tủy chắc chắn xảy ra. Để ngăn ngừa tình trạng này, trước hết bác sĩ sẽ đề nghị lấy tủy và trám lại răng. Toàn bộ quy trình để đảm bảo răng không bị nhiễm trùng và chức năng không bị yếu đi.
   d. Nhổ răng
Khi vết nứt ảnh hưởng nghiêm trọng đến cấu trúc, dây thần kinh và chân răng, bác sĩ sẽ bắt buộc phải đề nghị nhổ răng. 
   e. Không cần điều trị
Đối với những vết nứt cực nhỏ trên men răng, không có triệu chứng, không gây ảnh hưởng gì đến sức khỏe răng miệng, không ảnh hưởng đến thẩm mỹ, bác sĩ sẽ không đề xuất bất kỳ biện pháp điều trị gì. Thường thì bác sĩ sẽ khuyên bạn chăm sóc răng miệng thật tốt, chải răng đều đặn, dùng kem đánh răng chứa Fluoride...

kem đánh răng chứa Fluoride
Dùng kem đánh răng chứa Fluoride ngăn ngừa nứt răng. (Nguồn ảnh: internet)

6. Các biến chứng khi bị nứt răng

Khi bị nứt răng, nếu không điều trị kịp thời hoặc gặp một số vấn đề sức khỏe khác ảnh hưởng, có thể khiến cho răng bị nhiễm trùng, lan đến xương và nướu. Các biến chứng có thể xuất hiện khi bị nhiễm trùng bao gồm:
   - Nóng sốt
   - Đau nhứt nhiều khi nhai
   - Nướu sưng đau nhiều
   - Cực kỳ nhạy cảm với nhiệt độ
   - Nổi hạch mềm ở cổ
   - Hôi miệng
Để điều trị, bác sĩ sẽ phải hút mủ ra khỏi vùng răng nhiễm trùng và kê toa thuốc kháng sinh để tiêu diệt hại khuẩn còn lại.

Điều chắc chắn là khi bị nứt răng nặng, bạn sẽ không thể tự điều trị tại nhà được, nhưng bạn có thể ngăn ngừa khi vấn đề chưa xảy ra. Răng được chăm sóc chắc khỏe sẽ ít có khả năng bị nứt vì thế việc chăm sóc răng miệng hằng ngày rất quan trọng. Bạn cần vệ sinh răng miệng ít nhất hai lần trong ngày, vệ sinh kẽ răng, dùng kem đánh răng chứa Fluoride và khám răng định kỳ mỗi 6 tháng. Nếu bạn muốn tìm mua những sản phẩm hỗ trợ việc chăm sóc răng miệng hằng ngày, bạn có thể tham khảo thêm tại Ecare Store. Liên hệ ngay với chúng tôi tại số Hotline 0949.910.539 hoặc inbox messenger Ecare Store.

← Bài trước Bài sau →
back to top