Một buổi sáng nọ, bạn thức dậy, chải răng đều đặn như mọi khi. Và rồi bạn nhận ra mình bị chảy máu răng. Bạn có suy nghĩ và hoang mang tìm hiểu nguyên nhân? Hay bạn sẽ bỏ qua một triệu chứng mà có thể là dấu hiệu của một bệnh lý nghiệm trọng khác ngoài bệnh răng miệng? Hãy cùng Ecare Việt Nam tìm hiểu về những nguyên nhân có thể gây ra chảy máu chân răng để bạn dễ dàng xác định sơ bộ vấn đề của mình trước khi tìm đến bác sĩ để khám và điều trị nhé.
1. Bệnh nướu răng
Bị chảy máu chân răng thì việc đầu tiên bạn xác định có thể là do vấn đề về nướu. Chảy máu chân răng thường được thấy thấy khi bạn đang ở trong giai đoạn đầu của bệnh viêm nướu. Khi bạn không chải răng thường xuyên hoặc chải răng không đúng cách, vi khuẩn tích tụ dần dần tại viền nướu tạo thành mảng bám. Về lâu dài, mảng bám này khiến cho nướu bị viêm, sung đỏ và chảy máu.
2. Thói quen chải răng không tốt
Lời khuyên của nha sĩ dành cho mọi người là hãy chải răng mỗi ngày hai lần để bảo vệ răng miệng. Bạn có thể đọc vanh vách những lời khuyên này cho người khác nhưng liệu bạn có thực hiện đúng những gì mà các chuyên gia nha khoa đã khuyên bảo? Rồi những thói quen xấu sẽ hình thành trong bạn khiến cho răng và nướu phải những tác động tiêu cực từ thói thói quen xấu đó, điển hình là chảy máu chân răng do viêm nướu. Từ giờ, bạn hãy lắng nghe và thực hiện theo lời khuyên từ các nha sĩ: chải răng với kem đánh răng chứa Fluoride mỗi ngày hai lần và tất nhiên là không quên vệ sinh kẽ răng mỗi tối. Ngoài ra, bạn còn phải súc miệng với nước súc miệng diệt khuẩn, đi khám răng định kỳ mỗi sáu tháng để có thể phát hiện và kiểm soát sớm các tình trạng bệnh lý (nếu có) trước khi trở nặng.
Thói quen chải răng không tốt sẽ làm cho sức khỏe răng miệng tệ hơn
3. Vệ sinh kẽ răng sau một thời gian tạm ngừng
Việc mới bắt đầu hoặc bắt đầu lại thói quen vệ sinh kẽ răng sau một thời gian dài bỏ dở có thể làm bạn bị chảy máu chân răng trong một vài ngày đầu. Đây là một dấu hiệu cho thấy mảng bám bên trong khe nướu đã tích tụ nhiều và cứng lại, bám chặt vào mô nướu. Thế nên khi lấy mảng bám ra đồng thời cũng làm tổn thương một ít mô nướu bị dính với với mảng bám. Mặc dù vậy, bạn cũng đừng từ bỏ việc vệ sinh kẽ răng. Chỉ cần chăm thực hiện khoảng 5-7 ngày là mô nướu bên trong khe răng không còn mảng bám kết dính nữa, dễ dàng lấy được mảng bám, không còn chảy máu chân răng.
4. Bàn chải với lông quá cứng
Nếu bạn đang sử dụng những cây bàn chải với những sợi lông rất cứng thì hãy thay đổi ngay. Những chiếc bàn chải này có thể gây tổn thương nướu và làm chảy máu chân răng. Hãy tìm mua một loại bàn chải lông mềm hơn hoặc loại bàn chải lông siêu mềm là tốt nhất. Lực chải răng cũng phải nhẹ nhàng với động tác đúng cách để không làm tổn hại nướu mà răng vẫn sạch mảng bám.
Bạn nên dùng các bàn chải răng lông mềm để hạn chế chảy máu răng
Tham khảo những bàn chải răng với lông siêu mềm.
5. Nghiện hút thuốc lá
Hút thuốc lá có hại cho sức khỏe. Đây là câu khẩu hiệu bạn có thể dễ dàng nhận thấy ở mọi nơi: các biển tuyên truyền, quảng cáo công cộng. Hút thuốc lá thật ra có hại bao nhiêu với sức khỏe con người? Đó là 100% có hại. Bởi người hút thuốc sẽ tiềm tàng trong cơ thể rất nhiều nguy cơ mắc các chứng bệnh nan y nghiêm trọng. Và họ chắc chắn sẽ gặp phải những bệnh lý về nướu nhiều gấp hai lần so với người không hút thuốc. Các hóa chất trong thuốc lá làm suy yếu hệ miễn dịch vì thế họ rất dễ bị viêm nhiễm vùng nướu. Việc hút thuốc cũng làm chậm quá trình tái tạo tế bào nướu khi bị tổn thương. Nghiện thuốc càng lâu thì nướu răng càng bị tổn thương nhiều. Nếu bạn vẫn lo lắng cho sức khỏe của bản thân và gia đình thì hãy ngưng ngay thói quen hút thuốc từ hôm nay. Giá trị cuộc sống nằm trong việc chăm sóc sức khỏe, không phải nằm trong những điếu thuốc lá độc hại.
6. Ảnh hưởng của một vài loại thuốc điều trị
Nếu bạn đang điều trị một số chứng bệnh bằng thuốc men hoặc các loại thuốc khác, bác sĩ điều trị chắc chắn sẽ thông báo cho bạn biết những phản ứng phụ. Một trong số những phản ứng phụ của thuốc có thể là làm chảy máu chân răng, chẳng hạn như một số loại thuốc chống đông máu, chống co giật, thuốc huyết áp, thuốc ức chế miễn dịch… sẽ làm cho mô nướu mỏng hơn và dễ chảy máu khi bạn chải răng. Các loại thuốc chống trầm cảm, kháng histamin, thuốc huyết áp sẽ làm khô miệng, có thể gây ra các bệnh về nướu, cũng dẫn đến chảy máu chân răng. Nếu tình trạng này ảnh hưởng nhiều đến sinh hoạt hằng ngày của bạn, hãy liên hệ ngay với bác sĩ để khám và thay đổi thuốc hoặc tìm ra một hướng giải quyết tốt nhất cho sức khỏe.
7. Phụ nữ có thai
Trước tiên, xin chúc mừng bạn sắp được làm mẹ. Phụ nữ có thai chính là hy sinh cả sức khỏe và có khi mạo hiểm chính mình để cho con được khỏe mạnh. Trong thời gian có thai, nội tiết tố sẽ thay đổi dẫn đến nhiều vấn đề sức khỏe, bao gồm cả chảy máu chân răng. Thời gian này, mảng bám rất dễ tích tụ trên răng, dẫn đến viêm nướu thai kỳ. Chải răng và vệ sinh kẽ răng đúng cách và thường xuyên sẽ giúp bảo vệ răng miệng trong suốt chín tháng thai kỳ. Hãy hạn chế đồ ăn ngọt, rượu bia, thuốc lá để bảo vệ sức khỏe của cả mẹ và bé.
Viêm nướu thai kỳ là một nguyên nhân gây ra chảy máu chân răng
8. Bạn mắc phải bệnh máu khó đông
Đối với người bình thường, khi sơ ý cắt phạm phải, các tế bào máu gọi là tiểu cầu sẽ dồn đến nơi bị cắt và đông lại trên vết thương để cầm máu. Với bệnh nhân bị máu khó đông thì vết thương sẽ rất khó cầm máu. Bệnh này thường có một triệu chứng thường gặp là chảy máu chân răng. Nếu bạn xác định bản thân chảy máu chân răng do mắc phải chứng máu khó đông thì việc điều trị cần phải có sự can thiệp các bác sĩ chuyên khoa huyết học.
9. Bệnh bạch cầu
Bệnh bạch cầu chính là ung thư tủy sống - nơi và các tế bào máu được hình thành. Khi mắc bệnh này, cơ thể bạn sản sinh quá nhiều tế bào bạch cầu bất thường, lấn át các tế bào bạch cầu khỏe mạnh, cũng như hồng cầu và tiểu cầu. Một khi không đủ tiểu cầu, máu không thể đông theo cách bình thường và nướu răng rất dễ chảy máu. Điều trị bệnh bạch cầu bằng phương pháp hóa trị lại có thể làm giảm tiểu cầu và gây chảy máu chân răng. Đối với tình trạng này, bạn cần phải tìm đến sự hướng dẫn của bác sĩ điều trị để giảm các triệu chứng làm bạn khó chịu.
10. Hàm răng giả không khớp
Nếu không may bị mất nhiều răng, bạn phải sử dụng đến hàm răng giả để sinh hoạt hằng ngày. Hàm răng giả giúp bạn ăn uống dễ dàng cũng như mang đến nụ cười tự nhiên hơn. Nhưng nếu hàm răng giả không khớp, hàm có thể trượt tới lui trong khoang miệng, gây tổn thương cho nướu răng. Để giảm đau và giảm sưng, hãy đặt miếng bông gòn ấm lên nướu và súc miệng với nước muối. Sau đó tốt nhất là bạn nên đến khám ngay khi có thể để chỉnh sửa lại hàm răng giả.
11. Bệnh tiểu đường
Người bị mắc bệnh tiểu đường sẽ khiến cho khả năng kháng khuẩn của cơ thể trở nên khó khăn hơn. Khoang miệng là một trong những nơi dễ xuất hiện nhiều vi khuẩn nên rất dễ hình thành mảng bám dẫn đến viêm nướu và kết quả là triệu chứng chảy máu chân răng khi chải răng. Do đó, nếu bạn đang hoặc có nguy cơ bị tiểu đường, trước hết hãy kiêng những thực phẩm chứa đường và tinh bột, sau đó hãy thường xuyên chăm sóc răng miệng hơn để bảo vệ sức khỏe.
12. Bạn bị căng thẳng
Có thể bạn thấy vô lý, nhưng căng thẳng cũng làm cho chảy máu chân răng. Căng thẳng thường xuyên sẽ ảnh hưởng xấu đến thần kinh, gây ra những tác hại lâu dài lên sức khỏe thể chất của bạn. Khi bạn thường xuyên căng thẳng, cơ thể bạn tiết ra một loạt chất hóa học có thể dẫn đến viêm nướu. Những lúc buồn bã, mệt mỏi hay căng thẳng, bạn thường có xu hướng ăn nhiều đồ ngọt, uống rượu hoặc hút thuốc, sử dụng chất kích thích. Tất cả các thói quen không lành mạnh đó sẽ làm gia tăng sự phát triển của vi khuẩn trong khoang miệng. Vì thế hãy cố gắng đơn giản hóa mọi việc khi còn có thể để giảm căng thẳng.
Căng thẳng cũng có thể làm chảy máu răng!
13. Bạn bị xơ gan
Xơ gan chính là những vết sẹo trên gan. Qua thời gian dài, gan không còn có thể đào thải độc tố ra khỏi cơ thể như trước nữa làm cho men gan tăng cao. Một dấu hiệu của bệnh xơ gan là dễ chảy máu, gồm cả chảy máu cam và chảy máu chân răng. Các dấu hiệu khác như vàng da, vàng mắt, sụt cân, đau một bên hông, bụng phải (vị trí của gan). Nếu đã là bệnh xơ gan, bạn chỉ có thể nhờ đến sự hỗ trợ bác sĩ điều trị để giảm bớt các triệu chứng ảnh hưởng đến sinh hoạt hằng ngày.
14. Chảy máu chân răng do yếu tố di truyền
Nếu trong gia đình có hơn hai người có sức khỏe nướu răng không tốt thì bạn cũng có khả năng bị bệnh viêm nướu do di truyền. Với vấn đề này, lời khuyên dành cho bạn chính là giữ vệ sinh và chăm sóc tốt sức khỏe răng miệng cũng như thường xuyên khám răng định kỳ để ngăn chặn sự phát triển của vi khuẩn gây bệnh.
Bạn thấy đấy, chảy máu chân răng không nhất thiết chỉ là do viêm nướu gây ra mà phía sau nó còn là những nguyên nhân và bệnh lý nghiêm trọng khác nữa. Mặc dù vậy, đa số triệu chứng chảy máu chân răng hình thành là do tình trạng viêm nướu. Vì thế, để hạn chế đến mức thấp nhất triệu chứng chảy máu chân răng, bạn nên tập cho mình một thói quen chăm sóc răng miệng thật tốt. Nếu bạn vẫn chưa biết bắt đầu từ đâu, đừng ngần ngại mà liên hệ ngay Ecare để được hướng dẫn chăm sóc răng miệng và tư vấn những sản phẩm phù hợp với sức khỏe răng miệng của bạn. Mọi buổi tư vấn đều là miễn phí và trọn đời vì bạn và gia đình xứng đáng được nhận điều đó.