Thuốc lá gây tổn hại răng miệng như thế nào?

Thuốc lá gây tổn hại răng miệng như thế nào?

Hút thuốc luôn gây ra nhiều tác hại cho cơ thể. Những thành phần hóa học trong thuốc lá được đánh giá như chất độc đưa vào cơ thể, gây ra các bệnh mãn tính, thậm chí là nguyên chính gây ra ung thư phổi. Nghiện hút thuốc cũng sẽ dẫn đến nhiều vấn đề về răng miệng như: hôi miệng, răng ố vàng, viêm tuyến nước bọt, tăng tích tụ mảng bám và cao răng, tiêu xương hàm, nguy cơ mắc bệnh bạch cầu, tăng nguy cơ mắc bệnh nướu răng, làm cho vết thương lâu lành, tăng nguy cơ ung thư vòm họng... Bài viết này, Ecare sẽ cho các bạn biết thêm về mức độ tổn hại của thuốc lá đối với sức khỏe răng miệng.

1. Hút thuốc gây ra viêm nướu và viêm nha chu

Khi hút thuốc lá, các hóa chất độc hại trong khói thuốc sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến khả năng gắn kết của xương và mô răng, vì thế mà dễ xuất hiện các triệu chứng của viêm nướu. Những người thường xuyên hút thuốc dễ bị mắc những chứng bệnh nhiễm trùng nướu chẳng hạn như bệnh nha chu, làm giảm lưu lượng máu đến nướu, ảnh hưởng đến việc chữa lành vết thương. 

Cũng như thuốc lá, các loại thuốc hút khác như thuốc lào hay xì-gà đều ảnh hưởng tiêu cực tới sức khỏe răng miệng cũng như sức khỏe tổng quan. Ở những người nghiện thuốc, một khi bị viêm nướu hay viêm nha chu thì khả năng mất răng, tiêu xương hàm là tương đối cao. Ngoài những vấn đề này, những người nghiện thuốc còn có nguy cơ cao mắc bệnh ung thư miệng và ung thư vòm họng cùng với rất nhiều hậu quả khác tác động đến sức khỏe răng miệng như hôi miệng, răng ố vàng và tăng nguy cơ mắc bệnh nha chu.

2. Những loại thuốc điện tử hay thuốc không khói có an toàn hơn không?

Câu trả lời là không. Cũng giống như các loại thuốc lá, các loại thuốc điện tử hay thuốc không khói có chứa ít nhất 28 loại hóa chất được chứng minh là có nguy cơ gây ra ung thư vòm họng, cuống họng và thực quản. Các loại thuốc nhai có chứa hàm lượng nicotin cao hơn nhiều so với thuốc lá thông thường, gây nghiện thuốc nặng hơn. Hàm lượng nicotine có trong một hộp thuốc lá điện tử hay thuốc lá nhai tương đương với 60 điếu thuốc lá thông thường. 

Một điều chắc chắn là thuốc lá không khói có thể gây kích ứng mô nướu, khiến nướu rút lại làm cho răng không có đủ mô nướu để chống đỡ và dễ bị rụng răng. Còn khi các mô nướu bị thoái hóa và rút lại khiến cho chân răng bị lộ ra, làm tăng nguy cơ sâu răng. Khi bị hở cổ chân răng, răng cũng nhạy cảm hơn với nóng và lạnh hoặc các chất kích thích khác, làm cho ăn uống không thoải mái. Ngoài ra, chất đường thường được thêm vào để tăng hương vị của thuốc lá không khói và cũng làm tăng nguy cơ sâu răng. Thuốc lá nhai cũng thường chứa cát và sạn, có thể làm mòn răng.

3. Từ bỏ thói quen dùng thuốc lá

Bất kể bạn đã sử dụng các sản phẩm thuốc lá trong bao lâu, việc bỏ thuốc lá bây giờ có thể làm giảm đáng kể rủi ro nghiêm trọng đối với sức khỏe của bạn. Một năm sau khi bỏ thuốc, khả năng mắc bệnh nha chu sẽ giảm đáng kể, gần như tương đương với người không bao giờ hút thuốc. Nếu không thể từ bỏ ngay thì việc giảm dần số lượng hút thuốc cũng mang lại dấu hiệu khả quan. Những người đang có thói quen hút mỗi ngày một gói thuốc dần giảm còn nửa gói một ngày thì nguy cơ mắc bệnh về nướu giảm hẳn phân nửa.

Ngoài ra, các thống kê của Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ đưa ra bên dưới, cũng tạo ra nhiều lý do để bỏ thuốc:

   + Khoảng 90% những người bị ung thư miệng, môi, lưỡi và họng là những người nghiện hút thuốc. Nguy cơ phát triển các bệnh ung thư này tăng theo số lượng và thời gian sử dụng thuốc. Những người hút thuốc có khả năng mắc bệnh ung thư cao gấp sáu lần so với những người không hút thuốc.

   + Khoảng 37% bệnh nhân giữ thói quen hút thuốc sau khi điều trị ung thư chắc chắn tái phát bệnh ung thư so với con số 6% ở những người ngừng hút thuốc.

4. Vậy phải bỏ thuốc như thế nào?

Để ngừng sử dụng thuốc lá, các bác sĩ có thể giúp bạn bằng cách làm dịu cơn thèm nicotine như tạo thói quen nhai kẹo cao su và sử dụng miếng dán nicotine. Một số sản phẩm này có thể được mua tại các cửa hiệu bán sản phẩm chăm sóc sức khỏe và nhà thuốc.

Các lớp cai thuốc lá và các nhóm hỗ trợ thường được cung cấp song song với điều trị bằng thuốc. Việc tham gia các hoạt động xã hội và có một lối sống lành mạnh giúp giảm căng thẳng. Điều này giúp ích rất nhiều trong quá trình cai thuốc lá. Ngoài ra, các liệu pháp điều trị bằng thảo dược, điều trị tâm lý và châm cứu... cũng có thể giúp bạn từ bỏ thói quen này.

Sự tổn hại của thuốc lá đối với cơ thể không chỉ dừng lại ở răng miệng, mà còn lan ra đến tất cả các bộ phận khác của cơ thể, đặc biệt là phổi. Hút thuốc khiến cho toàn bộ tế bào trong cơ thể chịu một áp lực lớn, dễ gây nhiều bệnh nan y. Hãy bỏ ngay thuốc lá trong hôm nay  và chỉ sau một năm bỏ thuốc, cơ thể sẽ biết ơn bạn. 

← Bài trước Bài sau →
back to top