Sau khi sinh con, phụ huynh sẽ nhanh chóng làm quen với việc dẫn trẻ đi khám răng định kỳ. Tuy nhiên, cũng không ít những bậc cha mẹ vẫn còn bối rối khi đến với nha sĩ. Sau đây là những câu hỏi thường gặp về răng miệng trẻ em được trả lời bởi bác sĩ Natasha Mathias - một thành viên của học viện Nha khoa Nhi khoa Hoa Kỳ tại Montclair.
Có nên đưa trẻ đi khám nha sĩ nhi khoa?
Trẻ em không phải là một người lớn thu nhỏ. Cơ thể của trẻ em và người lớn có nhiều phần khác nhau và răng cũng khác nhau. Đưa trẻ đến khám tại một nha sĩ chuyên về nhi khoa sẽ là sự lựa chọn tốt nhất cho trẻ.
Tại sao khi trẻ bị rụng răng sữa, tôi cần đưa trẻ đến nha sĩ?
Sau khi răng bị rụng, vấn đề sức khỏe liên quan rất quan trọng. Khi răng sữa có chứa vi khuẩn, nó tiến triển nhanh, thấm qua răng đi đến xương, gây nhiễm trùng răng, thậm chí gây tử vong. Nhưng ngay cả khi điều tồi tệ nhất không xảy ra, thì vi khuẩn ẩn nấp trên răng có thể ảnh hưởng đến răng vĩnh viễn và khiến chúng bị hỏng.
Trẻ em cần dùng bao nhiêu Fluoride? Thế nào là quá nhiều?
Theo các nghiên cứu thì mức độ Fluoride tối ưu trong nước là khoảng một phần triệu. Nếu nhiều hơn, sẽ dẫn đến bệnh nhiễm Fluor khiến răng đổi màu. Nếu ít hơn, nó sẽ không đủ để bảo vệ răng. Ở mỗi một vùng miền, một đất nước luôn có mức độ Fluoride trong nước khác nhau. Bạn cần tìm hiểu thông tin, tin tức về nước sinh hoạt trong vùng miền mình sinh sống để đảm bảo cung cấp đầy đủ Flouride cho trẻ.
Trẻ đi khám răng lần đầu khi nào?
Khi trẻ bắt đầu mọc chiếc răng đầu tiên hoặc khi trẻ được 12 tháng, bạn nên bắt đầu đưa trẻ đi khám răng. Nhiều người cho rằng như vậy là quá sớm, và thường dẫn trẻ đến khám lần đầu ở khoảng 3 tuổi. Nhưng trong 3 năm, nếu bạn không có biện pháp nào quan sát răng và giúp trẻ vệ sinh răng miệng tốt thì răng của bé sẽ bị sâu rất nhiều. Do đó, bạn vẫn nên cho trẻ đến nha sĩ sớm hơn, cũng là để trẻ làm quen và không sợ hãi.
Tôi nên chuẩn bị gì cho trẻ trong lần khám răng đầu tiên?
Bạn nên cho trẻ hiểu rằng, nha sĩ và các nhân viên rất thân thiện và nhẹ nhàng. Hãy cho trẻ cảm thấy thú vị hơn. Tránh những từ tiêu cực như: bị đau, mũi khoan, kéo.... Bạn đừng nói những câu như "bác sĩ không làm đau con đâu!" mà hãy nói những câu tích cực như "bác sĩ sẽ giúp con....". Trẻ nhỏ không hình dung được mọi thứ qua lời nói, chúng nghe được những từ tiêu cực và cảm thấy sợ. Hãy lựa lời mà nói với trẻ nhé!
Trẻ em nên ăn uống những gì để bảo vệ răng miệng?
Đầu tiên, phụ huynh đừng nên cho trẻ uống nước trái cây mọi lúc mọi nơi vì hầu hết chúng không bổ dưỡng. Nếu con bạn phải uống nước trái cây, hãy tuân thủ các nguyên tắc sau: mỗi ngày dùng một cốc nước trái cây, hai ly sữa và ba ly nước. Đồ ăn nhẹ tốt nhất cho trẻ nên là trái cây tươi, sữa, sữa chua, phô mai. Đừng gọt vỏ các loại quả như táo mà hãy rửa thật sạch trước khi cho trẻ ăn. Vỏ là nơi tập trung nhiều chất dinh dưỡng trên quả và giúp làm sạch răng.
Khi nào trẻ có thể sử dụng kem đánh răng?
Khi trẻ biết cách phun nhổ bọt kem ra khỏi miệng thì trẻ hoàn toàn có thể sử dụng kem đánh răng, dù ở bất cứ độ tuổi nào. Thường thì chúng ta sẽ lấy thời điểm trẻ bắt đầu có thể kiểm soát các hành động tự đi vệ sinh làm móc thời gian để trẻ bắt đầu dùng kem đánh răng. Bạn hãy dạy cho trẻ chải răng sau ăn sáng chứ không phải trước đó, để trẻ có được răng miệng sạch sẽ sau đó. Và tập cho trẻ đánh răng ngay trước khi đi ngủ.
Khi nào trẻ cần phải cai núm vú giả?
Núm vú giả hoặc mút ngón tay cái có thể làm biến dạng vòm răng trên của trẻ và gây ra hô, lệch răng. Trẻ em nên phải cai núm vú giả khi từ 2-3 tuổi. Sau 3 tuổi, bất kỳ biến dạng răng miệng nào cũng đều phải theo dõi và chỉnh sửa bằng khí cụ chỉnh nha.