Các giai đoạn sâu răng

Các giai đoạn sâu răng

Sâu răng là những tổn thương xảy ra trong răng có khả năng dẫn đến những tình trạng trầm trọng hơn cho răng như áp-xe hoặc mất răng. Sâu răng chủ yếu gây ra bởi hại khuẩn sống trong mảng bám răng. Vệ sinh răng miệng tốt là biện pháp phòng ngừa sâu răng hiệu quả nhất. Sâu răng có nhiều giai đoạn, bài viết này sẽ mô tả cho bạn biết rõ các giai đoạn sâu răng cũng như cách ngăn ngừa và điều trị khi bị sâu răng.

1. Các giai đoạn sâu răng

Mảng bám chính là nguyên nhân chính gây ra sâu răng và các bệnh răng miệng thường gặp khác. Mảng bám là một lớp màng dính bao phủ bề mặt răng, hình thành bởi vi khuẩn, và hạt thức ăn. Nếu bạn không chải răng thường xuyên, mảng bám sẽ dần tích tụ và cứng lại tạo thành cao răng. Cao răng trên răng sẽ là môi trường lý tưởng cho vi khuẩn sinh sôi và phát triển, dần hình thành sâu răng. Sâu răng được chia thành năm giai đoạn sau đây:

   + Giai đoạn 1: Khử khoáng

Lớp ngoài cùng của răng là mô cứng nhất được gọi là men răng. Men răng chủ yếu được hình thành từ khoáng chất. Nhưng khi răng tiếp xúc với axit do vi khuẩn mảng bám tạo ra, men răng bắt đầu mất đi chất khoáng. Quá trình này gọi là khử khoáng. Khi xảy ra khử khoáng, bạn có thể phát hiện thấy đốm trắng xuất hiện trên bề mặt răng. Khu vực này là dấu hiệu ban đầu của sâu răng.

   + Giai đoạn 2: Tổn thương men răng

Khi quá trình khử khoáng vẫn tiếp tục diễn ra, men răng sẽ bị phá vỡ. Đốm trắng trên răng dần chuyển sang màu nâu. Khi men răng bị khử đến mức yếu đi sẽ tạo ra các lỗ nhỏ trên bề mặt răng. Các tổn thương men răng nhỏ này nếu được phát hiện sớm có thể được trám đề ngăn ngừa sâu răng tiếp diễn.

   + Giai đoạn 3: Sâu ngà răng

Ngà răng nằm bên trong lớp men răng. Ngà răng mềm hơn và dễ tổn thương hơn vì thế mà nó dễ nhạy cảm với axit hơn. Khi sâu răng tiến triển đến ngà răng, tốc độ sẽ được đẩy nhanh hơn nhiều và khiến bạn cảm thấy đau buốt hơn. Đau răng do sâu răng sẽ dễ nhận biết hơn khi ăn đồ ăn nóng hoặc lạnh.

   + Giai đoạn 4: Tổn thương tủy

Tủy răng chính là lớp trong cùng của răng. Tủy răng chứa đầy dây thần kinh và mạch máu nuôi dưỡng răng. Khi tủy bị tổn thương sẽ kích thích răng nướu khiến chúng bắt đầu sưng lên, gây áp lực đè lên các dây thần kinh, dẫn đến đau răng, khó chịu.

   + Giai đoạn 5: Áp-xe

Khi tủy răng bị tổn thương, tạo điều kiện cho vi khuẩn xâm nhập gây nhiễm trùng. Tình trạng nhiễm trùng gia tăng dẫn đến hình thành túi mủ ở đáy răng, gọi là áp-xe răng. Áp-xe răng gây đau dữ dội và đau lan cả hàm. Ngoài ra, còn gây sưng nướu răng, sưng mặt, sốt, sưng hạch bạch huyết ở cổ. Khi bị áp-xe răng, bạn cần được điều trị kịp thời để tránh nhiễm trùng lan vào xương và qua các vùng khác.

 

2. Phương pháp điều trị sâu răng

Các phương pháp điều trị sâu răng sẽ phụ thuộc vào giai đoạn sâu răng.

   a. Điều trị sâu răng giai đoạn khử khoáng

Ở giai đoạn khử khoáng này, bạn hoàn toàn có thể đảo ngược quá trình khử khoáng trước khi tổn thương vĩnh viễn xảy ra bằng cách dùng kem đánh răng chứa Fluoride hoặc điều trị Fluoride gel tại phòng nha. Fluoride củng cố men răng, giúp men răng có khả năng chống lại axit do vi khuẩn tạo ra.

   b. Điều trị sâu men răng

Trong giai đoạn này, men răng xuất hiện các lỗ sâu nhỏ. Nha sĩ sẽ điều trị bằng cách dùng chất trám phủ lên men răng. Chất trám này thường có màu tiệp với màu răng.

   c. Điều trị sâu ngà răng

Bởi vì ngà răng mềm hơn men răng, quá trình sâu răng diễn ra với tốc độ nhanh hơn khi đến giai đoạn này. Nếu được phát hiện sớm, sâu ngà răng có thể được điều trị bằng cách trám răng. Trong những trường hợp nặng hơn, có thể cần phải đặt mão răng.

   d. Điều trị tổn thương tủy

Khi sâu răng đã đến tủy, bạn cần phải lấy tủy răng. Sau đó khoang răng được làm sạch và trám lại. Một mão răng được đặt lên chiếc răng bị sâu.

   e. Điều trị áp-xe

Nếu áp-xe đã hình thành trong răng, nha sĩ sẽ thực hiện rút tủy răng để loại bỏ nhiễm trùng và hàn kín răng. Trong trường hợp nghiêm trọng, chiếc răng bị sâu có thể cần phải được loại bỏ hoàn toàn. Ngoài ra, nha sĩ sẽ kê thuốc kháng sinh để hỗ trợ tiêu diệt vi khuẩn.

3. Phòng ngừa sâu răng

Chăm sóc răng miệng tốt là cách ngăn ngừa sâu răng hiệu quả nhất. Bạn có thể tham khảo một số phương pháp chăm răng sau đây:

   + Đi khám nha sĩ thường xuyên.

   + Chải răng ít nhất 2 lần/ngày, dùng kem đánh răng chứa Fluoride.

   + Hạn chế ăn đồ ngọt.

   + Hạn chế ăn vặt nhiều lần trong ngày.

← Bài trước Bài sau →
back to top