Cảm cúm ở trẻ sơ sinh: nhận biết, phòng ngừa và điều trị

Cảm cúm ở trẻ sơ sinh: nhận biết, phòng ngừa và điều trị

Mùa mưa đang đến dần, nếu bạn có con nhỏ từ 6 tháng tuổi trở xuống thì hẳn là đang rất lo lắng cho sức khỏe của bé. Vì thời điểm này, trẻ rất dễ bị cảm cúm. Dưới đây là những điều cần biết về cảm cúm ở trẻ sơ sinh, cách phòng ngừa và điều trị.

Triệu chứng cảm cúm ở trẻ sơ sinh

Các triệu chứng cúm ở trẻ sơ sinh tương tự như ở trẻ lớn và người lớn. Nhưng các triệu chứng có thể khó phát hiện hơn vì bé không thể nói cho bạn biết mà chỉ biết la khóc. Bên dưới là các dấu hiệu bạn cần lưu ý. 

Nếu nhận thấy các dấu hiệu này, bạn nên gọi điện cho bác sĩ để được tư vấn kịp thời nhé:
   + Sốt 38°C đo ở trực tràng, tai, trán hoặc 37.4°C đo ở dưới cánh tay.
   + Bé mệt mỏi, cấu gắt, bú không tốt.
   + Khóc la nhiều, bất thường (biểu hiện đau nhức cơ thể).
   + Ho
   + Nôn mửa và tiêu chảy.

Với các dấu hiệu này, bạn cần liên hệ cấp cứu:
   + Cực kỳ khó chịu, mặt và môi hơi xanh tái.
   + Khó thở
   + Co giật
   + Không thức dậy hoặc không tỉnh táo
   + Nôn mửa nhiều và không ngừng
   + Mất nước
   + Sốt trên 40°C

Điều trị đối với trẻ sơ sinh

Nếu trẻ được xác nhận hoặc nghi ngờ khả năng cao là cảm cúm thì thường được điều trị bằng các liệu pháp kháng virus. Đối với trẻ em dưới 6 tháng tuổi, nguy cơ xảy ra biến chứng rất cao nên việc bắt đầu điều trị bằng thuốc kháng virus trong vòng 48 giờ kể từ khi có triệu chứng có thể làm giảm mức độ nghiệm trọng. Theo AAP (Viện Nhi Khoa Hoa Kỳ), thuốc kháng virus có hiệu quả tốt nhất trong vòng 1-2 ngày đầu tiên khi có triệu chứng của bệnh cúm. Hãy gọi điện cho bác sĩ và thông báo tình trạng của trẻ trong vòng 24 giờ khi trẻ xuất hiện các triệu chứng bên trên. Mặc dù thuốc kháng virus rất quan trọng trong việc kiểm soát bệnh cúm, nhưng chúng không thể thay thế cho việc tiêm phòng cúm ở trẻ em trên 6 tháng tuổi. 

Các phương pháp điều trị khác giúp cho bé dễ chịu hơn để tiếp tục bú sữa, tăng sức đề kháng, ngăn ngừa các biến chứng của mất nước. Nếu bé bị sổ mũi và ho, mẹ nên chạy máy tạo ẩm suốt đêm và vệ sinh mũi cho bé bằng nước muối sinh lý, nhỏ mũi 4-6 lần mỗi ngày để bé dễ ngủ và chịu bú. 

Đảm bảo giữ liên lạc với bác sĩ trong suốt thời gian điều trị tại nhà. Nếu trẻ không hạ sốt, các triệu chứng ngày càng nặng hơn, hãy gọi cho bác sĩ ngay. Có thể bé đang cần được cấp cứu.

Phòng ngừa cảm cúm

Ngăn ngừa bệnh cúm ở trẻ em là rất quan trọng, đặc biệt với trẻ từ 6 tháng tuổi trở xuống là những người không thể tiêm phòng cúm. Trẻ sơ sinh và trẻ em trên 6 tháng tuổi phải tiêm phòng cúm mỗi năm. Ngoài ra, tất cả các thành viên gia đình và người chăm sóc đủ điều kiện nên tiêm phòng cúm. Phải mất khoảng 2 tuần sau khi tiêm phòng để các kháng thể phát triển trong cơ thể và bắt đầu bảo vệ bé chống lại cảm cúm. 

Ngoài việc tiêm phòng cúm, CDC còn đưa ra các lời khuyên sau:
   + Tránh xa những người đang cảm cúm.
   + Vệ sinh cơ bản: che miệng, mũi khi ho hoặc hắt hơi, rửa tay thường xuyên bằng xà phòng và nước, sử dụng nước rửa tay, bỏ ngay khăn giấy đã qua sử dụng.
   + Làm sạch và khử trùng bề mặt trong nhà. 
   + Liên hệ bác sĩ khi bé có dấu hiệu bệnh cúm.

Ngoài việc xác định các triệu chứng, bố mẹ nên biết mức độ nghiêm trọng của bệnh cúm đối với trẻ sơ sinh. Theo CDC, tất cả trẻ em dưới 5 tuổi đều có nguy cơ mắc bệnh cúm cao, trong đó nguy cơ mắc các biến chứng cúm nặng cao nhất ở trẻ em dưới 2 tuổi, và tỷ lệ nhập viện và tử vong cao nhất xảy ra ở trẻ sơ sinh dưới 6 tháng tuổi. Thật không may, nhóm có nguy cơ cao nhất cũng là nhóm không được tiêm vắc xin cúm. Trẻ sơ sinh từ 6 tháng tuổi trở xuống không được chấp thuận tiêm vắc-xin cúm, điều này khiến công việc của cha mẹ là bảo vệ chúng khỏi bệnh cúm trở nên quan trọng hơn nhiều. Cảm cúm ở trẻ sơ sinh, đặc biệt là dưới 6 tháng tuổi, thì bạn không nên tự điều trị cho bé. Nếu bạn nghi ngờ trẻ sơ sinh của bạn bị cúm, hãy gọi điện đến cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn điều trị. Đặc biệt, trong thời gian này khi COVID-19 bùng nổ cùng thời điểm với mùa cảm cúm, các bậc cha mẹ cần phải chăm chỉ hơn nữa trong việc quan sát và nỗ lực để giữ cho trẻ an toàn và khỏe mạnh.

Nguồn: healthline.com

← Bài trước Bài sau →
back to top