Đường làm sâu răng như thế nào?

Đường làm sâu răng như thế nào?

Có thể thông qua sách báo, bạn đã biết được rằng đường có hại cho sức khỏe răng miệng. Nhưng bản thân đường không phải là thủ phạm trực tiếp làm sâu răng. Một chuỗi quá trình sau khi răng tiếp xúc với đường đã gây hại cho sức khỏe răng miệng. Bài viết này sẽ mô tả chi tiết hơn vì sao đường lại khiến cho răng bị sâu, và làm thế nào để ngăn ngừa sâu răng?

1. Bạn có tin rằng khoang miệng chính là một “chiến trường”?

Trong khoang miệng chúng ta có chứa nhiều loại vi khuẩn, bao gồm cả lợi khuẩn và hại khuẩn. Một nhóm hại khuẩn khi tiêu hóa đường sẽ tạo ra axit trọng miệng. Các axit này sẽ làm tiêu khoáng chất khỏi men răng làm cho răng không được bảo vệ. Quá trình này gọi là khử khoáng.

Nước bọt sẽ liên tục đảo ngược thiệt hại này trong một quá trình gọi là tái khoáng. Các khoáng chất có trong nước bọt như Calcium, Phosphate, cùng với Fluoride từ kem đánh răng và nước uống sẽ giúp men răng tự phục hồi bằng quá trình tái khoáng men răng này, giúp củng cố men răng.

Tuy nhiên, axit liên tục thực hiện chu kỳ tấn công khử khoáng men răng, làm suy yếu và phá hủy men răng theo thời gian và tạo thành một lỗ sâu răng. Lỗ sâu trên răng chính là do sự kết hợp của hại khuẩn tiêu hóa đường và tạo ra axit khử khoáng men răn gây ra. Nếu không điều trị, sâu răng sẽ lan rộng và sâu hơn, gây đau răng và có thể mất răng.

Các dấu hiệu cho thấy bạn bị sâu răng bao gồm đau răng, đau khi nhai, nhạy cảm với thức ăn nóng lạnh và đồ ngọt.


Đau răng là triệu chứng phổ biến của bệnh sâu răng.

2. Đường thu hút hại khuẩn và giảm độ pH trong miệng

Giống như mội thỏi nam châm, đường thu hút hại khuẩn trong miệng.  Hai loại hại khuẩn được tìm thấy nhiều nhất là Streptococcus mutans và Streptococcus sorbrinus. Cả hai loại hại khuẩn này đều tiêu hóa đường và hình thành mảng bám trên răng. Nếu mảng bám không được làm sạch bằng nước bọt hoặc bằng cách chải răng hằng ngày, khoang miệng sẽ có nhều axit hơn và hình thành sâu răng. Khi độ pH giảm xuống dưới 5.5, tính axit cao bắt đầu hòa tan khoáng chất và khử khoáng men răng. Quá trình này sẽ hình thành các lỗ xói mòn nhỏ và lớn dần theo thời gian.

3. Thói quen ăn uống gây sâu răng

Các nghiên cứu trong nhiều năm gần đây đều cho thấy rằng, một số thói quen ăn uống chính là tác nhân hình thành sâu răng.

   a. Dùng đồ ăn vặt chứa nhiều đường

Từ giờ trở đi, bạn hãy suy nghĩ thật kỹ trước khi ăn một món ăn vặt chứa nhiều đường. Bởi các nghiên cứu đều chỉ ra rằng thường xuyên ăn đồ ngọt có thể dẫn đến sâu răng. Các món ăn vặt nhiều đường sẽ làm tăng thời gian tiếp xúc của vi khuẩn với đường và hình thành axit gây sâu răng.

   b. Uống nước có vị ngọt và chua

Nước ngọt chính là nguồn bổ sung đường cho vi khuẩn tiêu hóa nhiều nhất. Đường có trong các loại nước giải khát có ga, nước ép đóng chai, nước uống tăng lực... Ngoài chứa đường, hầu hết các loại nước uống này đều có chứa lượng axit cao để nước có vị chua kích thích khẩu vị. Và axit kết hợp với đường hoàn toàn có thể gây sâu răng một cách nhanh chóng.


Nước ngọt chứa cả đường và axit tác động tiêu cực đến răng miệng.

Trẻ em có răng sữa non nớt rất dễ bị sâu răng tấn công. Bên cạnh đó, trẻ em rất thích uống các loại nước ngọt và ăn các loại kẹo. Điều này càng nhân tỷ lệ sâu răng lên gấp nhiều lần. Không chỉ riêng trẻ em, người lớn cũng có thói quen ăn uống có hại này. Cứ mỗi một bữa ăn uống với các thực phẩm chứa nhiều đường, bạn đang làm tăng đến 40% nguy cơ sâu răng và mất răng. Nghiên cứu chỉ ra rằng, nếu bạn dùng thực phẩm chứa nhiều đường hơn hai lần mỗi ngày thì sẽ làm tăng gấp ba lần nguy cơ mất răng. Nếu bạn có thể giảm lượng đường xuống dưới 10% lượng calo hằng ngày thì sẽ giảm được nguy cơ sâu răng.

   c. Liên tục uống nước có đường

Nếu bạn có thói quen nhâm nhi một chai nước ngọt trong cả một ngày thì đã đến lúc bạn cần thay đổi. Nếu bạn uống ngay lập tức, nước uống có đường sẽ ảnh hưởng đến răng miệng trong một khoảng thời gian ngắn, nhưng nếu bạn cứ nhâm nhi cả ngày dài dù với cùng 1 lượng nhất định thì thời gian tiếp xúc với đường sẽ kéo dài ra, ảnh hưởng lâu hơn đến răng miệng.

   d. Ăn thực phẩm có độ dính

Các loại thực phẩm có tính dẻo và kết dính là nguồn cung cấp đường lâu dài cho vi khuẩn. Và vì thế, chúng rất dễ gây ra sâu răng. Những loại thực phẩm có xu hướng tồn tại trong khoang miệng lâu hơn nên vi khuẩn sẽ tiếp xúc và có nhiều thời gian hơn để tiêu hóa đường và giải phóng axit nhiều hơn. Hậu quả thì chúng ta dễ dàng nhận ra, đó là thời gian khử khoáng bị kéo dài, trong khi thời gian tái khoáng bị rút ngắn.

4. Ngăn ngừa sâu răng

Có nhiều yếu tố có thể làm chậm lại tiến trình làm sâu răng, chẳng hạn như nước bọt, thói quen ăn uống, Fluoride, vệ sinh răng miệng, chế độ ăn uống... Các phương pháp dưới đây giúp bạn tận dụng các yếu tố này để giúp bạn chống lại sâu răng.

   a. Kiểm tra những gì bạn ăn uống hằng ngày

Một chế độ ăn uống cân bằng giầu ngũ cốc, trái cây tươi, rau xanh và các sản phẩm từ sữa sẽ giúp ích nhiều cho răng miệng. Nếu thực phẩm của bạn có nhiều đường và có tính axit, bạn hãy ăn trong bữa ăn chính, hạn chế ăn vặt. Bạn nên dùng ống hút khi dùng các loại đồ uống có chứa đường và axit để giúp răng ít tiếp xúc với hai thành phần này. Hãy thêm trái cây và rau xanh vào bữa ăn hằng ngày để tăng lượng nước bọt trong miệng.

   b. Cắt giảm lượng đường

Chỉ nên thỉnh thoảng dùng thức ăn chứa đường. Nếu bạn thích đồ ngọt, hãy tráng miệng với một ít nước lọc sau khi ăn để súc miệng và làm loãng đường và axit trong miệng. Bạn nên hạn chế uống nước ngọt. Nếu muốn uống thì đừng nhâm nhi trong thời gian dài, sẽ khiến răng bị đường và axit tấn công lâu hơn. Nếu có thể, hãy uống nước lọc là tốt nhất cho sức khỏe.

   c. Chăm sóc răng miệng hằng ngày

Chải răng ít nhất 2 lần/ngày là một bước quan trọng để ngăn ngừa sâu răng. Nếu có thể, bạn nên vệ sinh răng miệng sau mỗi bữa ăn và chải lại trước khi đi ngủ. Bạn nên dùng kem đánh răng chứa Fluoride để thúc đẩy việc chăm sóc răng miệng tốt hơn, giúp bảo vệ răng. Nhai kẹo cao su không đường giúp kích thích tuyến nước bọt, giúp ngăn ngừa tích tụ mảng bám và tăng cường quá trình tái khoáng. Nhưng trên hết, bạn hãy duy trì thói quen khám răng định kỳ mỗi 6 tháng để đảm bảo sức khỏe răng và nướu.

← Bài trước Bài sau →
back to top