Những điều bạn muốn biết về tình trạng mòn men răng

Những điều bạn muốn biết về tình trạng mòn men răng

Men răng là mô cứng nhất trong cơ thể người, thậm chí còn cứng hơn cả xương. Nhưng men răng có thể bị xói mòn theo thời gian vì nhiều nguyên nhân khác nhau. Vì men răng là lớp bảo vệ đầu tiên của răng khi tiếp xúc với các loại hóa chất từ thức ăn và dịch cơ thể, nên men răng có thể bị mòn đi theo thời gian. Triệu chứng của mòn men răng là ê buốt và sâu răng. Men răng bị mất đi sẽ không thể lành lặn trở lại như các mô khác trên cơ thể. Điều duy nhất bạn có thể làm là ngăn cho tình trạng mòn men răng phát triển nhanh bằng cách chăm sóc răng miệng.

1. Triệu chứng mòn men răng

Triệu chứng mòn men răng bao gồm:

+ Nhạy cảm với mùi vị, kết cấu và nhiệt độ của thức ăn.

+ Có xuất hiện vết nước trên răng.

+ Răng bị đổi màu

+ Xuất hiện vết lõm trên răng.

Khi bị mòn men răng nhiều hơn, bạn có thể cảm thấy đau răng, ê buốt mỗi khi ăn thức ăn nóng, lạnh, chua, cay. Đồng thời răng bạn bị đổi màu. Theo thời gian, nếu không điều trị hoặc chăm sóc tốt, mòn men răng có thể xuất hiện một vài biến chứng như: răng xỉn màu, cực kỳ ê buốt, nứt răng, xuất hiện đốm trắng trên răng, sâu răng, thậm chí gãy răng.

2. Nguyên nhân gây mòn men răng

Nguyên nhân chính gây mòn men răng là axit có trong thực phẩm và nước uống hằng ngày bạn dùng. Khoang miệng chúng ta chứa nước bọt có thể liên tục trung hòa axit để bảo vệ răng miệng, nhưng nếu lượng thực phẩm bạn tiêu thụ quá nhiều kết hợp với chải răng không đúng cách sẽ khiến cho lớp men bên ngoài bị axit ăn mòn và thoái hóa theo thời gian.

Mòn men răng có thể do thực phẩm gây ra. Cụ thể là những loại thực phẩm sau đây

+ Thực phẩm có đường như kem, sirô và caramel, kẹo...

+ Thực phẩm giàu tinh bột như bánh mì, cơm…

+ Thực phẩm có tính axit như táo, cam quýt, quả mọng…

+ Nước trái cây, nước ngọt…

Ngoài thực phẩm, còn có các nguyên nhân khác gây mòn men răng:

+ Nghiến răng

+ Trào ngược dạ dày thực quản.

+ Tiết nước bọt ít – một dạng triệu chứng của các bệnh mãn tính như tiểu đường

+ Thường xuyên dùng một số loại thuốc như thuốc kháng histamine và aspirin.

+ Rối loạn ăn uống làm rối loạn hệ tiêu hóa và khiến răng tiếp xúc với axit dạ dày.

+ Rối loạn di truyền, thiểu sản men răng, ảnh hưởng đến sự phát triển của rang.

3. Men răng có tái tạo lại được không?

Như bạn đã biết, men răng rất cứng. Nhưng men răng không phải là một tế bào sống nên không thể tự tái tạo khi bị tổn thương. Vì vậy mà quá trình mòn men răng diễn ra chỉ theo một chiều và không thể tái tạo lại được men răng mới. Sự mòn men răng diễn ra trong một thời gian dài nên bạn vẫn có thời gian để hạn chế tình trạng này trở nên trầm trọng hơn.

4. Điều trị và ngăn ngừa mòn men răng

Nếu bị mòn men răng nghiêm trọng, nha sĩ có thể thực hiện một số thủ thuật nha khoa để điều trị triệu chứng. Một trong số đó là thủ thuật trám răng. Với thủ thuật này, nha sĩ sẽ tráng một lớp chất trám lên răng bị hỏng để bảo vệ răng và che đi phần răng bị đổi màu. Với những trường hợp nghiêm trọng hơn, nha sĩ sẽ đề nghị dán veneer cho răng bị hỏng để ngăn ngừa sâu răng thêm.

Cách tốt nhất để điều trị mòn men răng là ngăn chặn nó xảy ra ngay từ đầu. Ngay cả khi bạn đã bị mòn men răng, bạn vẫn có thể ngăn ngừa tình trạng này trở nên tồi tệ hơn bằng cách thực hành vệ sinh răng miệng tốt.

 

← Bài trước Bài sau →
back to top