Những chiếc răng được gọi là răng khôn bởi vì khoảng thời gian các răng bắt đầu mọc là khoảng độ tuổi từ 17-21 tuổi. Những chiếc răng này ở vị trí trong cùng của hàm: hai chiếc ở hàm trên và hai chiếc ở hàm dưới. Một người trưởng thành sẽ có đủ 32 chiếc răng. Răng khôn chính là răng hàm, loại răng to nhất và cứng nhất, giúp nghiền thức ăn. Tuy vậy, có một số người không có răng khôn. Người ta cho rằng vấn đề không mọc răng khôn có thể do chế độ ăn uống.
1. Các vấn đề của răng khôn
Trong những loại răng hàm thì răng khôn gây ra nhiều vấn đề nhất. Mỗi năm đều có một số lượng lớn các ca phẫu thuật lớn nhỏ để nhổ răng khôn. Nguyên nhân chính đều là do hàm không đủ diện tích cho răng mọc nên chúng thường mọc lệch và gây ảnh hưởng đến các răng bên cạnh. Hầu hết các răng khôn khi mọc lên đều gây ra nhiều vấn đề cho sức khỏe răng miệng, chẳng hạn như sưng viêm, sâu răng, tiêu xương, răng mọc chen chút...
Thông thường, khi khám răng và phát hiện răng khôn sắp mọc, các nha sĩ sẽ khuyên bệnh nhân nhổ răng khôn để ngăn chặn các vấn đề mà chúng có thể gây ra:
+ Trước khi mọc răng, các mô nướu quanh răng có thể hình thành u nang, dẫn đến tiêu xương trong hàm.
+ Nếu răng nằm dưới nướu, chúng có thể phá hủy những chiếc răng gần đó bằng cách làm mòn chân răng.
+ Khi răng khôn vừa nhú lên, vi khuẩn và mảng bám dễ dàng tích tụ xung quanh gây sâu răng và viêm nướu.
Rất hiếm có răng khôn mọc khỏe mạnh. Tuy nhiên, nếu có thì không có lý do gì để nhổ bỏ chúng. Tùy vào từng vị trí của răng khôn mà nha sĩ sẽ có những phương pháp khác nhau để nhổ nó ra. Nếu một chiếc răng khôn đã mọc lên hoàn toàn thì nha sĩ có thể gây mê cục bộ vùng nướu rồi dùng kiềm để nhổ răng ra. Sau khi nhổ răng khôn, bạn vẫn sẽ bị chảy một ít máu trong ngày đầu. Bạn sẽ cảm thấy nướu sưng đau. Sau đó, các vết bầm thuyên giảm dần. Trong 24 giờ đầu sau khi nhổ răng, bạn không nên chải răng. Trong suốt một tuần sau đó, bạn nên súc miệng bằng nước muối ấm mỗi 2 giờ.
2. Những điều cần lưu ý sau khi phẫu thuật nhổ răng khôn
Sau khi thực hiện tiểu phẫu, bạn nên nhờ người thân hoặc bạn bè chở về do bạn có thể bị choáng váng vì thuốc tê vẫn còn tác dụng. Bác sĩ sẽ kê thuốc giảm đau để giúp bạn kiểm soát cơn đau trong những ngày đầu sau phẫu thuật. Sau khi phẫu thuật nhổ răng khôn, thường thì bạn có thể sinh hoạt bình thường ngay ngày hôm sau. Để tăng tốc độ chữa lành và giảm đau sau phẫu thuật, bạn hãy thực hiện những việc sau:
+ Chườm túi lạnh lên hàm để giảm sưng đau.
+ Đừng khạc nhổ nhiều vì làm thế sẽ khiến máu khó đông và kéo dài thời gian chảy máu.
+ Uống nhiều nước, không uống rượu, đồ nóng hoặc soda trong vòng 24h sau phẫu thuật.
+ Trong khoảng một tuần đầu, bạn có thể không mở rộng khuôn miệng được.
+ Ăn thức ăn có độ mềm vừa phải để không ảnh hưởng đến vùng vừa phẫu thuật.
Có một số trường hợp, phẫu thuật có thể làm tổn thương một số dây thần kinh dưới răng làm cho môi, lưỡi hoặc cằm bị tê vĩnh viễn hoặc ảnh hưởng đến xoang mũi. Do đó, sau khi phẫu thuật, nếu bạn gặp phải những trường hợp sau đây thì hãy báo cho bác sĩ biết ngay:
+ Khó thở, khó nuốt kéo dài.
+ Máu vẫn chảy ra từ chỗ phẫu thuật sau 1-2 ngày, các cơn đau kéo dài hơn một tuần.
+ Sau nhiều ngày, mặt và hàm vẫn sưng.
+ Bị sốt.
+ Bị tê, phát hiện mủ hoặc có mùi hôi.
Răng khôn mọc lệch là cả một vấn đề đối với bệnh nhân. Khi phát hiện răng khôn mọc lệch, tốt nhất bạn nên hẹn lịch với nha sĩ để được nhổ răng khôn càng sớm càng tốt. Vì càng lớn tuổi, việc nhổ răng khôn càng khó khăn hơn và lâu lành hơn.