Sâu răng và viêm nướu được xem là hai loại bệnh phổ biến nhất hiện nay trên thế giới. Tuy nhiên, chỉ cần cải thiện chế độ ăn uống hợp lý, bạn hoàn toàn có thể ngăn ngừa không chỉ hai loại bệnh này mà ngăn chặn được rất nhiều vấn đề răng miệng và sức khỏe tổng thể khác.
Sâu răng xảy ra khi mô cứng của răng bị axit từ vi khuẩn trong miệng phá hủy. Có một số loại thực phẩm có thể làm gia tăng số lượng và mức độ hoạt động của vi khuẩn gây sâu răng. Mặc dù thói quen ăn uống không tốt không trực tiếp gây ra các bệnh răng miệng, nhưng một điều chắc chắn là dinh dưỡng kém sẽ làm cho tình trạng bệnh trở nặng nhanh hơn.
Suy dinh dưỡng sẽ ảnh hưởng đến toàn bộ hệ thống miễn dịch, làm gia tăng các vấn đề sức khỏe. Đặc biệt, những người có hệ miễn dịch kém thường có nguy cơ mắc bệnh răng miệng cao hơn bình thường. Ngoài ra, sức khỏe răng miệng cũng ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe tổng thể của một người, điển hình như ảnh hưởng đến tim mạch hoặc có mối tương quan với bệnh tiểu đường. Chính vì vậy, một chế độ ăn uống cân bằng, đủ dưỡng chất không chỉ cải thiện sức khỏe răng miệng của bạn. Nhờ vào việc bổ sung đủ chất xơ và vitamin, cơ thể chúng ta cũng giảm thiểu được các nguy cơ mắc bệnh khác.
Đặc điểm chung của các chế độ ăn uống cân bằng thường đủ chất, điều độ và đa dạng. Thực phẩm nên được chọn từ các nhóm chính: rau, củ, quả, ngũ cốc, thịt gia súc, gia cầm, sữa, cá, các loại đậu. Việc ăn kiêng hạn chế hoặc loại bỏ hoàn toàn một vài nhóm thực phẩm thường dẫn đến thiếu hụt vitamin và khoáng chất thiết yếu. Do đó, khi thực hiện các khẩu phần ăn kiêng vì mục tiêu sức khỏe hay cân nặng thì bạn cũng nên xem xét tỉ mỉ để tìm ra khẩu phần thích hợp cho riêng bạn.
Một điều rất cần thiết nữa là nước. Bạn vẫn phải luôn uống nước để giữ ẩm cho khoang miệng. Khoang miệng được giữ ẩm sẽ bảo vệ được cả răng và nướu. Một lời khuyên cho những ai bị khô miệng, hãy ngậm một ít kẹo không đường hoặc nhai kẹo cao su để kích thích tiết nước bọt nhé.
Thức ăn hằng ngày bám lên răng có thể thúc đẩy tiến trình sâu răng trở nên nhanh hơn. Vì vậy, bạn nên tránh ăn vặt nếu có thể. Nếu bạn có thói quen ăn vặt thì nên tránh hoặc hạn chế thức ăn mềm ngọt có độ bám dính như bánh, kẹo, hoa quả khô. Thay vào đó, bạn có thể chọn các loại thực phẩm tốt cho răng miệng, chẳng hạn như các loại hạt, rau quả có độ giòn, sữa chua nguyên chất, phô mai, kẹo cao su, kẹo không đường.
Khi bạn ăn các loại thực phẩm từ carb lên men như bánh quy giòn, và khoai tây chiên, bạn nên ăn kèm với những loại thực phẩm khác. Sự kết hợp của nhiều loại thực phẩm trong bữa ăn sẽ giúp trung hòa axit trong miệng và ức chế sâu răng. Với những kết hợp này, các bữa ăn nhẹ sẽ tốt hơn cho sức khỏe của bạn. Ngoài ra, còn một điều cần lưu ý là vấn đề suy dinh dưỡng là do thiếu dưỡng chất nhưng cũng có thể là do dư thừa dưỡng chất. Các thói quen ăn quá nhiều để dư thừa chất dinh dưỡng cũng sẽ dẫn đến một số bệnh lý mãn tính như tim mạch, béo phì, tiểu đường, huyết áp. Vì vậy, bạn vẫn nên ăn uống thật đều độ, đủ chất nhưng không thừa.
Nếu bạn không chắc chắn chế độ dinh dưỡng hiện tại sẽ có những tác động như thế nào đến sức khỏe răng miệng, bạn nên tìm đến sự tư vấn của các chuyên gia dinh dưỡng hoặc nha sĩ. Các tình trạng răng miệng như mất răng, đau nhứt răng, sưng đau nướu, rối loạn chức năng khớp hàm... có thể làm giảm khả năng nhai. Các tình trạng này thường gặp ở người cao tuổi, những người ăn kiêng cắt bỏ hoàn toàn một vài nhóm thực phẩm chính, hoặc những người đang điều trị y tế. Những đối tượng này cần được tư vấn bởi các chuyên gia dinh dưỡng và nha sĩ để tìm cách cân bằng dinh dưỡng tốt hơn.
Bên cạnh đó, để giảm thiểu các vấn đề tiêu cực mà thực phẩm có thể lưu lại trên răng và nướu, chúng ta nên thực hành thói quen chải răng súc miệng đều đặn mỗi ngày. Chải răng 2-3 lần mỗi ngày (sau khi ăn, trước khi đi ngủ) kết hợp với việc súc miệng sau mỗi khi ăn nhẹ sẽ giúp cải thiện đáng kể. Bạn có thể liên hệ tư vấn hướng dẫn cách chăm sóc răng miệng tại Fanpage Ecare Store và tìm mua các sản phẩm chăm sóc răng miệng chất lượng cao tại website www.ecare.vn.
(Nguồn tham khảo: knowyourteeth.com)