Có phải bạn đang tìm một phương pháp để làm sáng nụ cười nhanh chóng và hiệu quả? Và câu trả lời không gì khác chính là làm trắng răng. Các phương pháp làm răng trắng sáng luôn được nhiều người ưa chuộng vì tính kinh tế và tiện lợi. Bạn sẽ có rất nhiều giải pháp để làm trắng răng từ việc tẩy trắng tại phòng nha cho đến việc sử dụng những bộ kit làm trắng răng tại nhà. Dù bạn chọn phương pháp nào thì răng bạn vẫn sẽ được cải thiện về độ trắng sáng, nụ cười sẽ đẹp rạng rỡ. Tuy nhiên sau khi làm trắng răng, bạn phải có những biện pháp chăm sóc răng kỹ lưỡng nhằm duy trì độ trắng sáng ấy.
1. Tẩy trắng răng và làm trắng răng có gì khác nhau?
Theo FDA, tẩy trắng là một phương pháp làm cho răng trắng sáng hơn cả độ trắng tự nhiên vốn có. Phương pháp này sử dụng các chất tẩy trắng cho răng như: Hydrogen Peroxide hoặc Carbamide Peroxide. Trong khi đó, làm trắng răng lại có ý nghĩa là giúp răng phục hồi lại màu trắng tự nhiên ban đầu bằng cách loại bỏ mảng bám và vết ố vàng. Các chất làm trắng răng thường thấy trong nhiều loại kem đánh răng. Dĩ nhiên, làm trắng sẽ dễ dàng và an toàn hơn tẩy trắng. Vì thế mà các sản phẩm làm trắng răng luôn được nhiều người ưa chuộng.
2. Kiểm tra men răng
Nhờ bề mặt men răng mà chúng ta có nụ cười trắng sáng. Men răng là tập hợp rất nhiều tinh thể nhỏ được hình thành để bảo vệ răng khỏi các tác động của việc nhai, cắn, các thương tổn do acid hình thành từ đường trong thức ăn. Tuy nhiên, men răng sẽ xuống cấp theo thời gian. Khi đó, men răng trở nên trong suốt hơn và để lộ ra phần ngà răng màu vàng bên trong.
Trong khi nhai, ngà răng vẫn nguyên vẹn bên trong, còn men răng sẽ xuất hiện hàng triệu vết đứt gãy cực nhỏ trên các vi tinh thể men răng, hoàn toàn bị lấp đầy bởi mảng bám và thức ăn thừa. Kết quả là răng trở nên tối màu và không nổi bật. Sản phẩm làm trắng răng loại bỏ mảng bám và thức ăn thừa ra khỏi men răng. Một số vết đứt gãy sẽ nhanh chóng được tái khoáng hóa bởi nước bọt, còn những khe nứt còn lại sẽ lại tiếp tục bị lấp đầy bởi các mảnh vụn hữu cơ.
3. Hai vấn đề khiến răng đổi màu
Có hai loại vết ố làm ảnh hưởng đến răng gọi là nhiễm sắc ngoại lai và nhiễm sắc nội tại:
+ Nhiễm sắc ngoại lai là những vết ố xuất hiện trên bề mặt răng do sử dụng các thực phẩm có màu, hút thuốc… Các vết bẩn này có thể được loại bỏ bằng các biện pháp nha khoa phòng ngừa như chải răng, súc miệng, dùng chỉ nha khoa… Một số vết ố cứng đầu có thể được loại bỏ bằng các chất tẩy trắng cho răng. Các vết bẩn sẽ liên tục tấn công men răng và dẫn đến sâu răng nếu không được xử lý sớm.
+ Nhiễm sắc nội tại là những vết ố hình thành từ bên trong răng. Nhiễm sắc nội tại thường được hình thành bởi các chấn thương, lão hóa, tiếp xúc với thuốc kháng sinh (Tetracycline) hoặc quá nhiều Fluoride. Trong quá khứ, người ta cho rằng việc tẩy trắng răng là vô hiệu với vấn đề nhiễm sắc nội tại. Tuy nhiên, với trình độ phát triển của ngành nha khoa hiện nay, bằng nhiều cách khác nhau, các chuyên gia đã có khả năng làm trắng răng bị nhiễm sắc nội tại và sẽ được theo dõi duy trì độ trắng sáng trong thời gian dài.
4. Điều gì gây ra vết ố vàng răng?
+ Tuổi tác: có một sự liên quan giữa màu răng và tuổi tác. Dần về già, răng sẽ tối màu dần do sự hao mòn men răng. Các thanh thiếu niên có thể dễ dàng làm trắng răng hiệu quả. Trong khi ở độ tuổi 20 đến 30, răng bắt đầu có màu vàng nên phải nổ lực nhiều để làm trắng răng. Bước qua tuổi 40, màu của răng dần có sắc nâu và luôn cần phải bảo quản liên tục. Từ tuổi 50 trở đi, răng đã xuất hiện rất nhiều vết bẩn cứng đầu rất khó loại bỏ.
+ Màu răng bẩm sinh: mỗi người đều có một màu răng bẩm sinh khác nhau. Có người răng trắng tinh, có người lại có những chiếc có màu hơi ngã vàng.
+ Thói quen ăn uống: thói quen sử dụng rượu vang đỏ, cà phê, trà, cola, cà rốt, cam và các thực phẩm có màu khác sẽ gây ra sự nhuộm màu trong nhiều năm. Ngoài ra, thực phẩm có tính acid như trái cây, dấm... góp phần gây mòn men răng. Kết quả là, bề mặt men răng trở nên trong suốt và lộ ra màu vàng của ngà răng.
+ Sử dụng thuốc và hóa chất: việc sử dụng Tetracycline trong quá trình hình thành răng sẽ làm cho răng bị tối màu, rất khó loại bỏ. Ngoài ra, việc tiêu thụ quá liều Fluoride cũng gây ra căn bệnh nhiễm Fluor làm cho răng xuất hiện nhiều đốm màu trắng.
+ Nghiến răng và chấn thương: do căng thẳng dẫn đến nghiến răng hay do một chấn thương nào đó khiến cho răng bị tổn thương vùng men răng dẫn đến tối màu răng.
5. Lựa chọn nào dành cho bạn?
Có ba sự lựa chọn dành cho bạn để tẩy trắng răng hiệu quả. Cả ba phương pháp đều phụ thuộc vào nồng độ và thời gian sử dụng chất tẩy trắng Peroxide.
a. Làm trắng răng tại phòng nha
Tẩy trắng răng giúp lên tông màu cho răng nhanh chóng là ưu điểm của việc làm trắng răng tại phòng nha. Với sự hỗ trợ của các thiết bị nha khoa chuyên dụng, các nha sĩ sẽ cẩn thận bôi lên răng một lượng gel Peroxide nồng độ cao để tẩy trắng trăng. Trong khi đó, nướu của bạn sẽ được bảo vệ bởi một lớp gel cao su cách nướu để tránh bị Peroxide gây tổn thương. Thông thường, Peroxide sẽ được lưu lại trên răng tầm 15 đến 20 phút, có khi lên đến cả một giờ. Nếu răng có những vết ố cứng đầu không thể loại bỏ trong lần tẩy đầu tiên thì các nha sĩ sẽ cân nhắc cho liệu trình tẩy lần thứ hai hoặc hướng dẫn dùng các bộ kit làm trắng răng tại nhà.
b. Bộ làm trắng răng chuyên nghiệp
Các nha sĩ cho rằng những bộ kit làm trắng răng chuyên nghiệp tại nhà có thể giúp đạt hiệu quả tốt và lâu dài. Các bộ kit này có chứa Peroxide với nồng độ thấp hơn sẽ lưu lại trên răng lâu hơn từ trên một giờ. Nên nhớ rằng, nồng độ Peroxide càng thấp thì thời gian lưu lại trên răng càng lâu. Gel được dùng bằng cách cho vào máng tẩy tự nắn phù hợp với mọi loại răng.
c. Các bộ sản phẩm làm trắng răng tại nhà
Đây là phương pháp làm trắng răng tiện lợi nhất mà lại tốn ít chi phí nhất. Các bộ kit này rất dễ dàng tìm thấy trong các cửa hàng chăm sóc răng miệng. Với nồng độ Peroxide thấp hơn rất nhiều so với các bộ làm trắng chuyên nghiệp, gel làm trắng răng sẽ được cho vào khuôn răng có sẵn với kích thước tùy chỉnh theo hình dáng của răng.
d. Hydrogen Peroxide và Carbamide Peroxide
Hydrogen Peroxide là một chất tẩy được dùng trong phòng nha với khả năng làm trắng mạnh mẽ và nhanh chóng, phù hợp với những ai cần làm trắng gấp. Khi dùng để tẩy trắng răng, Peroxide thường có nồng độ từ 9% đến 40%. Ngược lại, Carbamide Peroxide là một chất tẩy trắng thường được dùng cho các sản phẩm làm trắng răng tại nhà bởi tác dụng chậm. Hiệu quả tác dụng của Carbamide Peroxide chỉ bằng 1/3 Hydrogen Peroxide.
6. Các rủi ro thường gặp
Các phương pháp làm trắng răng sẽ an toàn khi làm đúng quy trình và người dùng phải tuân theo chỉ dẫn. Tuy nhiên, việc tẩy trắng răng vẫn sẽ dẫn đến những rủi ro cụ thể như sau:
a. Răng ê buốt
Tẩy trắng răng sẽ khiến cho răng gia tăng độ nhạy cảm về nhiệt độ và áp lực. Điều này có thể xảy ra khi bạn tẩy trắng răng tại phòng nha với nồng độ chất tẩy trắng rất cao. Một số người sẽ trải qua những cơn ê buốt vùng răng trước. Cơn ê buốt thường xảy ra nhiều nhất với những ai bị tuột nướu, men răng mòn hoặc bị thương tổn.
b. Kích ứng nướu răng
Hơn một nửa số người tẩy trắng răng bằng Peroxide đã gặp phải tình trạng kích ứng nướu do nồng độ thuốc cao hoặc do nướu tiếp xúc với máng tẩy có chứa gel. Sự kích ứng này thường kéo dài vài ngày và bớt dần khi thuốc tẩy tan dần.
7. Duy trì kết quả làm trắng
Để duy trì màu sắc của răng, nha sĩ sẽ có những lời khuyên sau:
+ Theo dõi tại nhà, duy trì sử dụng các sản phẩm kem đánh răng làm trắng răng dạng nhẹ và đến cạo vôi răng tại các phòng nha theo định kỳ 6 tháng đến 1 năm.
+ Tránh xa thực phẩm có màu ít nhất là 1 tuần sau khi tẩy trắng.
+ Sử dụng ống hút khi uống nước có phẩm màu.
+ Vệ sinh răng miệng đúng cách: vệ sinh bề mặt răng và kẽ răng sau bữa ăn và trước khi đi ngủ.
(Theo Yourdentistryguide.com)